LẠM BÀN VỀ TỪ “ÁNH ỎI”
(Trong bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”)
Những ồn ào xung quanh bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong SGK lớp 5 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã lắng xuống. Khi câu chuyện ở thời điểm cao trào mình đang bận công việc gia đình trong Sài Gòn nên định viết gì đó mà chưa viết được gì. Có rất nhiều điều mình tâm đắc muốn viết thì các bài viết ủng hộ bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” đã chia sẻ rồi. Nói tóm lại đây là một bài thơ hay, lấp lánh vẻ đẹp ngôn từ và nội dung thì rất giàu giá trị nhân văn. Bài thơ được dạy ở lớp 5 là “vừa sức” với học sinh. Việc lựa chọn được những ngữ liệu hay như thế là một nỗ lực của đội ngũ tác giả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống khi muốn đưa đến cho người dạy và người học những cảm nhận mới mẻ và những cách tiếp cận sáng tạo.
Các ý kiến (trong đó buồn thay có khá nhiều ý kiến từ phía giáo viên) phản đối bài thơ chủ yếu từ chỗ không đồng tình với cách dùng từ “ánh ỏi” trong câu thơ “Cánh sẻ vụt qua song / Hót nắng vàng ánh ỏi”. Nên trong stt này mình chỉ muốn bàn thêm về cách cảm nhận giá trị biểu đạt của từ láy “ánh ỏi” trong bài thơ này.
Trước hết có thể khẳng định “ánh ỏi” là “nhãn tự” của bài thơ. Từ “ánh ỏi” thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ và nó cũng không có gì xa lạ. Bài thơ ra đời cách đây cả nửa thế kỷ và cái cách tạo từ láy theo kiểu “ánh ỏi” đã được nhiều nhà văn, nhà thơ thể hiện, ví như từ “đen đúa” trong văn Nam Cao, từ “nhập nhọm” trong văn Nguyễn Tuân, từ “thập thững” trong thơ Nguyễn Duy, từ “nhua nhúa” trong văn Tô Hoài... Vấn đề là, cách chúng ta tiếp thụ và cảm nhận thế nào với những từ láy đắc dụng này.
Để hiểu từ “ánh ỏi”, cần khái lược đôi nét về giá trị của từ láy trong tiếng Việt:
1. Từ láy là những từ được cấu trúc bằng cách nhân đôi tiếng (hình vị) gốc theo những quy tắc nhất định, sao cho quan hệ giữa các tiếng trong từ vừa điệp, vừa đối, hài hòa với nhau về âm và về nghĩa, có giá trị biểu trưng hóa. Về giá trị của từ láy, thông thường có thể kể đến:
a. Từ láy mô phỏng trực tiếp, gần đúng âm thanh tự nhiên theo cơ chế láy có khả năng gợi tả những sắc thái khu biệt tinh tế của âm thanh tự nhiên. Ví dụ, (cười) khà khà, hềnh hệch, ha hả, khì khì, hô hố... ; (nói) lí nhí, thì thào, ồm ồm, oang oang, lập bập.... Dễ dàng nhận thấy bên cạnh sự mô phỏng âm thanh của tiếng cười, giọng nói còn thấy có sự mô phỏng khuôn mẫu của miệng và cả thái độ bình giá nữa.
Từ láy biểu thị thuộc tính được đánh giá theo thang độ thường có khả năng gợi tả mức độ, sắc vẻ của thuộc tính ấy. Ví dụ: vuông chành chạnh là vuông đến mức cân đối, đỏ au au là đỏ tươi nhìn mê mắt. Từ láy biểu thị thuộc tính không được đánh giá theo thang độ thường có khả năng gợi tả cách thức diễn ra của quá trình. Ví dụ: chạy con cón là chạy với những bước ngắn, nhanh, gọn; giữ khư khư là giữ chặt lấy, không muốn rời bỏ vì sợ mất.
b. Từ láy vần có sự hòa phối ngữ âm thường không chỉ có giá trị hình thái mà còn có giá trị tạo nghĩa (biểu trưng hóa). Đó chính là giá trị gợi tả và diễn cảm của từ. Ví dụ: khỏe khoắn là rất khỏe với thái độ hài lòng; tròn trặn là tròn gần như triệt tiêu mọi khía cạnh méo mó; nhấp nháy là nháy rồi tắt, rồi lại nháy với cường độ khác nhau theo chu kì; gật gù là gật liên tiếp, nhưng thong thả, tỏ ý tán thưởng.
c. Trong những điều kiện nhất định mỗi khuôn vần có thể mang vào từ láy một cách đều đặn những nét nghĩa nhất định. Ví dụ khuôn vần “ấp” tiếng gốc (đứng sau) mang vào nét nghĩa lặp đi lặp lại với cường độ khác nhau, khi ẩn khi hiện, khi mạnh khi yếu, hoặc khi cao khi thấp: bập bềnh, khấp khểnh, lập loè, nhấp nhô... khuôn vần “ăn” như: vuông vắn, lành lặn, đầy đặn, tròn trặn… có nét nghĩa biểu thị tròn đầy, viên mãn.
d. Cũng thuộc lớp từ láy có giá trị gợi hình tượng và cảm xúc phong phú là các từ láy sắc thái hóa. Đó là các từ phân hóa ý nghĩa so với các từ đơn cùng gốc tạo nên sắc thái khác nhau về ý nghĩa. (So sánh các từ: nhỏ nhắn, nhỏ nhen, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, nhỏ nhoi với từ nhỏ). Ngưởi sử dụng từ nếu lựa chọn và huy động đúng các từ ngữ này vào giao tiếp sẽ tạo ra được tính hình tượng, biểu cảm cho lời nói của mình. Ví dụ: Miêu tả hình dáng bên ngoài của cô nữ dân quân thời chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường”; Cũng miêu tả hình dáng bên ngoài, nhưng lại gợi ra vẻ xinh xắn, dễ nhìn, dễ ưa của một quả cau (hay cũng là của một cô gái) Hồ Xuân Hương viết: “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi”; Còn để lộ lòng dạ hẹp hòi giữa con người với con người, lại phải dùng từ nhỏ nhen như Nguyễn Du đã từng viết qua lời kể của Thúy Kiều về việc phán xử Hoạn Thư : “Tha ra thì cũng may đời / Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”.
2. Tuy nhiên, có những từ láy được cấu thành trong giao tiếp (ở một ngữ cảnh cụ thể) không dựa trên một âm tiết - hình vị cơ sở nào mà chỉ dựa trên những kiểu cấu trúc từ đã có trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Những kiểu từ láy là sản phẩm sáng tạo tài tình của các nhà văn, nhà thơ nên càng có màu sắc tu từ rõ nét và sâu sắc hơn.
Ví dụ: câu "Những cánh tay nhua nhúa giơ lên". (Tô Hoài). Trong câu này, từ láy nhua nhúa được tạo ra do sự phối hợp của các cặp vần /-ua/ và cặp phụ âm đầu /nh - nh -/. Cặp vần /-ua/ đã từng tồn tại trong từ láy tua tủa (chỉ vật có nhiều mũi nhọn chĩa ra chung quanh: râu mọc tua tủa, lông nhím tua tủa…). Còn cặp phụ âm /nh- nh-/đã từng có mặt trong các từ láy nhộn nhịp, nhốn nháo, nhung nhúc (gây ấn tượng về một cảnh ồn ào, đông đúc và có phần sôi động). Cho nên từ nhua nhúa diễn tả được hiện tượng rất nhiều cánh tay cùng giơ lên, cùng huơ động mạnh và có phần lộn xộn.
Một ví dụ khác: “Đứa trẻ nhê nha khóc”. Từ nhê nha được hình thành do sự phối hợp cặp vần - ê, - a với cặp phụ âm đầu nh - nh -. Cặp vần ê a đã từng có mặt trong các từ láy ê a, ề à, khề khà, lê la, rề rà (chỉ trạng thái chậm chạp kéo dài). Còn cặp phụ âm đầu nh - nh - đã có mặt trong các từ láy nhễ nhại, nhày nhụa, nhớp nhúa (với ấn tượng ngôn ngữ là chỉ trạng thái bẩn, có nước). Do đó từ láy mới nhê nha được tạo ra trong câu trên dễ dàng tạo ra một ấn tượng ngữ nghĩa về một trạng thái đứa trẻ khóc kéo dài, không thành tiếng và khóc với khuôn mặt đầm đìa nước mắt với nước mũi.
3. “Ánh ỏi” là kiểu từ láy đặc biệt, nó thuộc nhóm các từ láy lặp lại âm đầu tắc - thanh hầu (hoặc láy không có âm đầu - kiểu như “ẽo ợt”, “óng ả” “ậm ọe”…). Trong bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” từ láy “ánh ỏi” đã tạo nên tình huống bất ngờ, một “cú huých” thú vị và mới mẻ cho bài thơ giống như một Plot twist trong truyện. Ở các văn bản truyện, Plot twist là sự thay đổi bất ngờ trong cốt truyện, là yếu tố quan trọng tạo sự hấp dẫn của mạch truyện. Plot twist thường xuất hiện ở những điểm quan trọng, mấu chốt (bản lề/chỗ xoắn) của câu chuyện, trong đó có thể là đoạn kết của truyện. Khi câu chuyện đi tới hồi kết, một cú plot twist xảy ra sẽ khiến câu chuyện có thể được nối dài hoặc rẽ sang ngả mới (như bản lề khép rồi lại mở), thu hút người đọc hơn, tạo sự tò mò giữ cho người đọc luôn muốn tìm hiểu thêm về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Vậy thì, “cú huých” do ánh ỏi tạo ra bất ngờ và thú vị ở điểm nào?
Cũng giống như “nhua nhúa” và “nhê nha”, “ánh ỏi” được hình thành do sự hòa phối ngữ nghĩa giữa các từ láy “anh ánh”, “lấp lánh”, “lấp loáng” với “inh ỏi”. “Ánh” có mặt trong nhóm các từ láy “lấp lánh” “lấp loáng” với nét nghĩa “phát ra ánh sáng không liên tục, khi yếu khi mạnh nhưng lặp đi lặp lại đều đặn tạo vẻ sinh động”. “Ỏi” có mặt trong từ láy inh ỏi với nét nghĩa “tiếng kêu vang gây cảm giác khó chịu”. Điều thú vị là khi âm thanh “inh ỏi” được bao bọc trong không gian “lấp lánh” của “nắng vàng” thì cảm giác “khó chịu” do nó gây ra được trung hòa hóa. Điều đọng lại chỉ còn là sự rộn ràng, náo nức của sắc màu và âm thanh.
Như thế, từ láy mới ánh ỏi được tạo ra trong câu “Hót nắng vàng óng ả” dễ dàng tạo ra một ấn tượng ngữ nghĩa về một không gian tươi sáng, tràn ngập ánh sáng (lấp ánh, lấp loáng) và âm thanh (inh ỏi). Đây cũng là cách tạo từ láy bằng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (ẩn dụ bổ sung) rất tinh tế giữa thị giác (nhìn) và thính giác (nghe). Tinh thế bởi bài thơ viết về trẻ khiếm thính nên cái “nghe thấy” cần thiết phải chuyển thành cái “nhìn thấy”, cái “nhìn thấy” chuyển hoá thành cái “cảm nhận được” - những đứa trẻ khiếm thính với tâm hồn nhạy cảm có thể cảm nhận sự kì diệu của tiếng sẻ hót rộn rã trong nắng vàng rười rượi bằng ánh nhìn trong trẻo và quá đỗi dễ thương như thế. Bởi vậy mà ánh ỏi ra đời như một phát hiện, một plot twist, một “nhãn tự” rất đáng trân trọng của nhà thơ.
Chính các từ láy được tạo ra không dựa trên cơ sở một hình vị có nghĩa sẵn có nào, mà chỉ dựa vào kiểu cấu tạo (dựa vào các khuôn vần và các cặp phụ âm đầu nhất định nào đó) đã khai thác giá trị biểu trưng hóa của các âm thanh trong tiếng Việt. Người nói (người viết) khai thác các giá trị đó, còn người nghe (người đọc) dựa vào đó mà lĩnh hội ý nghĩa cùng các sắc thái cảm xúc của các từ láy mới.
Với những từ láy có cách cấu tạo độc đáo như “nhua nhúa” “nhê nha” “ánh ỏi” “thập thững”… hiệu quả tu từ mà chúng mang lại vô cùng phong phú và sâu sắc.