TỔ KHOA HỌC XÃ HỘI
Nhiệm vụ :Giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực thuộc Tiếng việt, Văn học, Phương pháp dạy học Tiếng việt, Giáo dục Âm nhạc, Giáo dục Mĩ thuật.
TỔ BỘ MÔN KHOA HỌC XÃ HỘI - BA MƯƠI LĂM NĂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
I/ MỘT SỐ ĐỔI THAY
Không thể đi ngược lại quy luật cuộc đời “lá vàng lá rụng”, PGS. Phan Thiều, người sáng lập Khoa Giáo dục tiểu học, người tổ viên lão thành của Tổ đã qua đời. Kế tục tinh thần và ý tưởng của Thầy, các thành viên trong tổ vẫn luôn giữ vững chiến lược “Tầm đại học, hướng tiểu học” trong mọi hoạt động chuyên môn của mình. Chúng tôi tin tưởng rằng vị Giáo sư đáng kính của Khoa sẽ vì vậy mà ngậm cười nơi chín suối..
Cũng theo quy luật thay đổi của vạn vật, một vài thành viên trong tổ đã rời đi, trong vui có, buồn có. Buồn là trường hợp chị Mai Lan, vì lí do sức khỏe, chị đã ngừng công việc, về nghỉ ngơi dưỡng sức. Vui thứ nhất là trường hợp anh Đỗ Xuân Thảo, sau một số năm là chuyên gia dạy tiếng Việt tại Nhật Bản, khi trở về, anh đã lọt vào mắt xanh của Ban giám hiệu nhà trường và trở thành Phó giám đốc Trung tâm giáo dục từ xa (nay được đổi tên thành Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng thường xuyên). Ở cương vị này, anh vẫn nhiệt tình tham gia mọi công việc của Tổ và luôn tạo điều kiện để công tác đào tạo ngoài trường của Khoa đạt kết quả tốt. Vui thứ nhì là trường hợp chị Lê Thu Trang. Sau một số năm miệt mài đèn sách, chị đã bảo vệ luận án Tiến sĩ rồi chuyển công tác lên Phòng Đào tạo của trường, tuy nhiên “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, nên chị vẫn kiêm nhiệm một phần công việc giảng dạy ở tổ. Hiện nay, chị đã được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Đào tạo. Chúng tôi chúc mừng chị và hi vọng ở cương vị công tác mới chị sẽ có nhiều điều kiện cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo của Trường và của Khoa.
Một vinh dự lớn đã đến với Tổ khi chị Đặng Thị Kim Nga, sau một số năm giữ cương vị Phó chủ nhiệm Khoa, rồi bảo vệ Luận án Tiến sĩ, đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa nhiệm kì 2011 - 2016. Mặc dù chị vẫn luôn khiêm tốn cho rằng phụ nữ thường cả nể vì vậy thiếu tính quyết đoán, chỉ nên làm người giúp việc cho cấp trưởng thôi, nhưng cho đến nay, khi đã đi được nửa chặng đường, chị đã có nhiều cơ hội đánh thức cái chất bướng bỉnh nữ tính vốn ngủ yên đâu đó trong con người chị.
II/ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Các thành viên trong Tổ thường khoái dùng cụm từ “rất nhất quán”, vì vậy luôn duy trì xu hướng phát triển bền vững cho bản thân mình và cho tập thể.
Thực tế, trong suốt 35 năm truyền thống của Tổ, sự nhất quán trong phong cách sống, trong “gu” thẩm mĩ, trong tác phong làm việc, trong ứng xử giao tiếp… đã làm nên xu hướng phát triển bền vững của các thành viên trong Tổ.
Người chị cả của Tổ, GS. Lê Phương Nga, luôn hài hước nhấn mạnh: Với tôi, chức vụ công tác cao nhất với thâm niên dài nhất – thâm niên không giới hạn – đã được đảm nhiệm là Chủ nhiệm Bộ môn khoa học xã hội. Chính sự hài hước, dí dỏm cùng với sức sống, sức lao động và cống hiến của chị đã tạo nên một gương mặt nữ giáo sư có một không hai trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy Tiếng Việt và Phương pháp dạy học Tiếng Việt. Ngoài những công trình khoa học, những bộ giáo trình, sách tham khảo…. người ta nhớ đến chị trong vai trò một ca sĩ hát không cần nhạc đệm, ngay cả khi khản tiếng, giọng chị vẫn vang đến mức cơ hồ muốn sập trần nhà. Trước kia, chị từng tự hào là người được cân kiểm tra sức khỏe nhắc nhở: “Hơi béo, thừa 11 cân !”. Nay, nhờ một quyết tâm và niềm đam mê mới – khiêu vũ – nên chị đã lấy lại được vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương ngày nào. Với những chiếc váy xòe đuôi chim chào mào, chị lượn những vòng uyển chuyển trong màn múa minh họa cho một tiết mục đơn ca nào đó. Ở một vài chuyến “lưu dạy”, chị có thể trở thành “dũng sĩ loại bạn nhảy”, nghĩa là một mình chị có thể liên tục khiêu vũ trên sàn, trong khi đối tác cứ phải luân phiên nhau thể hiện, mà cuối cùng vẫn toát mồ hôi hột bó tay xin hàng. ĐAM MÊ cùng với QUYẾT TÂM CAO, đó là con người chị, đến giờ, vẫn vậy.
Người chị thứ hai, TS. Đặng Thị Kim Nga, vẫn sở hữu những chữ CHỪNG MỰC, CHẬM RÃI, CHẮC CHẮN. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chị đang vững vàng chèo lái sự nghiệp của Khoa đi theo đúng truyền thống đoàn kết và hiệu quả mà các bậc tiền nhiệm đã tạo lập được. Không hiểu nguyên tắc “cây gậy và củ cà rốt” đã được chị vận dụng sáng tạo đến đâu, nhưng cứ sau những chữ “nhé, thế nhé!” mỗi lần chị trao đổi công việc với đồng nghiệp, thì mọi người lại hồ hởi bắt tay vào làm, ít ra là không muốn chị phải thất vọng và suy giảm sức khỏe cùng nhan sắc.
Người em thứ nhất, TS. Dương Thị Hương vẫn mang dáng dấp “nhanh bước nhanh nhi đồng” như vậy. Sinh viên từng bảo: Hình như cô không có nhiều chất khoa học như các thầy cô khác, bởi chúng em luôn thấy cô cười rất nhiều và dáng đi của cô rất nhẹ. Nhưng có vẻ như chị có năng khiếu ở một phương diện khác, đó là quan sát rất nhanh, vì vậy chị mới có thêm một cái tên Hàn Quốc: Soi Xong Chê.
Người em thứ hai, Ths. Nguyễn Thanh Bình vẫn cứ là một Stylist với “gu” thưởng thức và ăn mặc. Nếu như Dương Hương xanh đỏ như một con vẹt Hồng Kông vì vóc dáng khiêm tốn, thì Thanh Bình trang nhã với các kiểu dáng và màu sắc cổ điển phương Tây. Chị cũng được sinh viên đánh giá là không vất vả lắm với học thuật, nhưng mỗi khi vào một cuộc luyện tập các tiết mục văn nghệ, các em mới thực sự hiểu thế nào là bị cô chần cho "trầy vi, tróc vẩy".
Người em thứ ba, Ths. Nguyễn Trần Hùng vẫn mang dáng dấp công tử, mặc cho các mùa lá rụng đi qua. Có chăng là sau khi vào vai trụ cột gia đình, phong thái của anh đã thêm bề thâm hậu bởi cái vẻ “lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu” rất nhã nhặn mà thôi.
Người em thứ tư, Ths. Phan Hồng Sơn, vẫn được coi là người trẻ hơn cái tuổi mà người ta nghĩ anh sở hữu. Có lẽ vì vậy mà tranh anh vẽ vẫn cần có thêm vài chỉ dẫn để người ngoại đạo thưởng thức và anh vẫn có năng lực cầm đầu một số vụ “khám và phá” những bí ẩn thú vị của cuộc sống.
“Một con én không làm nổi mùa xuân”, thu đến, thu đi, đời người vẫn vậy. Hi vọng là những điều nhất quán trên đây của mỗi thành viên đã làm nên sự phát triển bền vững của Tổ, góp thêm sự đa dạng và sắc nét cho Khoa và cho cuộc đời.