TỔ TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC
Nhiệm vụ: Giảng dạy tâm lí học, giáo dục học, công tác đội, đánh giá kết quả giáo dục ở Tiểu học, PP dạy học Đạo đức ở Tiểu học, các chuyên đề Tâm lí giáo dục ở Tiểu học; tâm lí học phát triển trí tuệ của trẻ, phương pháp dạy học tích cực, lí thuyết kiến tạo, đo lường và đánh giá, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục môi trường, quản lí giáo dục, giáo dục hòa nhập.
Chúng tôi nhớ, sau khi Chủ nhiệm Khoa lúc đó là thầy Vũ Quốc Chung đi Liên bang Nga tham khảo mô hình Khoa Giáo dục tiểu học bên đó về (1989), Khoa xây dựng 3 tổ chuyên môn trụ cột là Toán, Tiếng Việt và Tâm lý học - giáo dục học.
Khi mới được thành lập, tổ Tâm lý học - giáo dục học do thầy Phó Đức Hòa (về khoa năm 1986, phụ trách các học phần "Giáo dục học đại cương", "Lý luận dạy học tiểu học", "Phương pháp luận nghiên cứu khoa học giáo dục") làm tổ trưởng với các thầy cô gồm Nguyễn Hữu Hợp (về khoa năm 1986, phụ trách các học phần "Phương pháp dạy học môn đạo đức ở tiểu học", "Lý luận giáo dục tiểu học", cô Trần Thị Thu Ngọc (về khoa năm 1986, phụ trách học phần "Công tác Đội", chuyển công tác vào Miền Nam năm 1994), cô Phan Hạnh Mai (về khoa năm 1990, phụ trách các học phần "Tâm lý học đại cương" và "Tâm lý học tiểu học").
Năm 1995, cô Nguyễn Thị Vân Hương (được đào tạo tại Khoa Tâm lý học - giáo dục học) được điều động về tổ. Đó là một sự bổ sung kịp thời, bởi một số học phần của Tổ vẫn phải mời bên ngoài. Ban đầu, cô Nguyễn Thị Vân Hương được giao giảng dạy các học phần là "Công tác Đội" và "Quản lý giáo dục tiểu học", "Giáo dục học đại cương".
Trong vài năm gần đây, Tổ đã có những bổ sung nhân sự kịp thời - TS Vũ Thị Lan Anh (được đào tạo tại Khoa Giáo dục tiểu học, về Tổ năm 2010, giảng dạy Tâm lý học đại cương, Tâm lý học tiểu học, chuyên đề Tâm lý học tiểu học), Thạc sỹ Trần Thị Thùy Dung (được đào tạo tại Khoa Giáo dục tiểu học, về Tổ năm 2010, giảng dạy "Công tác Đội", "Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở tiểu học"), cô Trần Thị Hà (được đào tạo tại Cuba, về Tổ năm 2013, giảng dạy "Tâm lý học đại cương").
Trong những năm đầu giảng dạy, điều thuận lợi đối với chúng tôi là, các thầy cô Phó Đức Hòa, Nguyễn Hữu Hợp, Phan Hạnh Mai đều được đào tạo một cách bài bản về giáo dục tiểu học tại một nước có nền giáo dục tốt là Liên Xô (cũ). Chúng tôi hăm hở, háo hức bắt tay vào công việc. Với những gì được học ở đại học, chúng tôi thể hiện mình qua những tiết dạy, những tài liệu tự biên soạn... Tuy nhiên, "vốn" chúng tôi có không thấm gì so với đòi hỏi của thực tiễn. Vậy là phải "tầm sư học đạo".
Điều may mắn của chúng tôi là gặp được những người thầy có trình độ chuyên môn "đỉnh" vô tư giúp đỡ. Đó là các thầy GS Đặng Vũ Hoạt, GS Nguyễn Quang Uẩn, GS Bùi Văn Huệ, PGS Lê Khánh Bằng, PGS Lê Văn Hồng, PGS Ngô Hiệu, cô Phạm Diệu Trang và nhiều thầy cô khác của Khoa Tâm lý học - giáo dục học. Chúng tôi không chỉ dự giờ học hỏi kinh nghiệm của các thầy, hằng ngày miệt mài "mài đũng quần" ở thư viện nhà trường, lôi những quyển sách quý xách về từ bên Nga... Rồi thì ai cũng bắt đầu vững vàng lên về chuyên môn. Những năm đầu, chưa có giáo trình riêng dành cho Khoa, do đó, nội dung giảng dạy của chúng tôi phải "gia công" từ nhiều tài liệu khác nhau - trong nước có, ngoài nước có. Điều đó cũng có bất cập nhất định.
Một điều đặc biệt nhất mà chúng tôi mãi biết ơn các thầy cô - đó là niềm tin các thầy cô dành cho chúng tôi. Tuy mới vào nghề, trình độ còn khá non tay, nhưng chúng tôi được các thầy cô cho phép viết giáo trình cùng. Khi bắt tay vào viết giáo trình, chúng tôi mới ngộ ra tính phức tạp của nó, "bút sa, gà chết" mà - nói trên giảng đường là một chuyện, viết ra cho người khác đọc không phải là chuyện chơi. Với sự giúp đỡ nhiệt thành của các thầy cô, chúng tôi (đồng tác giả) cũng cho ra đời những đứa con tinh thần của mình.
Khi chúng tôi "có vẻ" trưởng thành về chuyên môn, các thầy cô Khoa Tâm lý học - giáo dục học bắt đầu "rút lui" dần. Và, chúng tôi bắt đầu tự gánh vác tất cả những học phần của tổ.
Khi đó, với công việc khá nặng nề, chúng tôi vẫn phải dành thời gian cho việc học nâng cao trình độ. Thầy Phó Đức Hòa, thầy Nguyễn Hữu Hợp, cô Phan Hạnh Mai bắt đầu đi học sau đại học (tại Khoa Tâm lý học - giáo dục học của ĐHSP Hà Nội). Sau đó một vài năm, chúng tôi làm nghiên cứu sinh - thầy Phó Đức Hòa bảo vệ luận án TS năm 1996, thầy Nguyễn Hữu Hợp - năm 1999, cô Phan Thị Hạnh Mai năm 2005, cô Nguyễn Thị Vân Hương - năm 2002, cô Vũ Thị Lan Anh - năm 2009... Những nỗ lực chuyên môn của chúng tôi được giới khoa học thừa nhận qua việc phong học hàm PGS cho thầy Phó Đức Hòa (2005), thầy Nguyễn Hữu Hợp (2006), cô Vũ Thị Lan Anh (2016).
Ngoài giảng dạy cho sinh viên, tham gia đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ, các cán bộ của Tổ biên soạn các giáo trình (đồng tác giả và đứng tên riêng), chuyên khảo như "Giáo dục học tiểu học", "Giáo dục học tiểu học 1", "Giáo dục học tiểu học 2", "Lý luận dạy học tiểu học", "Tâm lý học tiểu học", "Đạo đức và phương pháp dạy học môn đạo đức ở tiểu học", "Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở tiểu học", "Đánh giá trong giáo dục tiểu học", "Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục tiểu học"... Một số thành viên của Tổ là tác giả sách giáo dục phổ thông, tham gia các dự án giáo dục phổ thông, giáo dục đại học...
Các thành viên của Tổ cũng làm chủ nhiệm và bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học - công nghệ cấp Bộ, cấp trường.
Khoa học giáo dục luôn vận động để tiến tới cái hoàn thiện và tối ưu. Tổ Tâm lý học - giáo dục học nói chung, mỗi một thành viên của Tổ nói riêng cũng luôn tự hoàn thiện mình về mọi mặt để khẳng định được mình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các hệ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ và chất lượng giáo dục tiểu học.