KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC TRƯỜNG ĐAI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
- 35 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Cách đây 35 năm, ngày 18 tháng 3 năm 1983, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay và Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã kí quyết định mở thí điểm hệ đào tạo giáo viên cấp I trình độ đại học đặt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Đây là một sự kiện hết sức quan trọng không chỉ đối với trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, mà còn là một dấu mốc son đối với ngành giáo dục Việt Nam, bởi vì trước đó ở Việt Nam chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ đại học, cũng tức là chưa có một giáo viên tiểu học nào có trình độ đại học sư phạm ngành tiểu học. Theo quyết định này, khối Chuyên tu đào tạo giáo viên cấp I – tiền thân của Khoa Giáo dục Tiểu học ngày nay – được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục ở nước ta. Với quyết định quan trọng này của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cơ hội tiếp tục học tập của các thầy cô giáo cấp I được rộng mở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp I.
Những năm đầu thành lập, khối Chuyên tu cấp I gặp vô vàn khó khăn: cán bộ trong khoa quá ít và chưa hề có kinh nghiệm đào tạo giáo viên cấp I trình độ đại học; chương trình, tài liệu giảng dạy chưa có; công việc bộn bề; cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn...
Ngày mồng 5 tháng 11 năm 1983, hai cán bộ đầu tiên của Khối Chuyên tu Cấp I là thầy Phan Thiều và cô Lê Thị Huệ lên đường sang Liên Xô học tập kinh nghiệm và trở về Việt Nam vào ngày 5 tháng 2 năm 1984, đem những điều mình đã học hỏi được để bắt tay xây dựng Khối Chuyên tu Cấp I còn trứng nước với phương châm tầm đại học, hướng cấp I.
Sau 8 năm khối Chuyên tu cấp I thử nghiệm đào tạo thành công 6 khoá chuyên tu, ngày 8 tháng 4 năm 1991, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kí quyết định thành lập Khoa Cấp I (sau đổi thành khoa Giáo dục Tiểu học) thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nhiệm vụ triển khai rộng rãi các mô hình đào tạo giáo viên cấp I (nay gọi là giáo viên tiểu học) có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục tiểu học.
Với kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ, năm 2000, Khoa Giáo dục Tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học (giáo dục tiểu học); năm 2011, Khoa được phép đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Tiểu học. Bắt đầu từ năm học 2013 – 2014, bên cạnh hệ cử nhân Giáo dục Tiểu học, Khoa bắt đầu đào tạo cử nhân hệ Giáo dục Tiểu học – Sư phạm Tiếng Anh. Ba sự kiện này đánh dấu những mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khoa.
Hiện nay, Khoa có 4 tổ Bộ môn: Bộ môn Các khoa học Tự nhiên, Bộ môn Các khoa học Xã hội, Bộ môn Tâm lí học - Giáo dục học và Bộ môn Thực hành Sư phạm. Đây là những đơn vị giúp Ban Chủ nhiệm khoa xây dựng chương trình, tổ chức và quản lí đào tạo, bồi dưỡng các hệ đại học và trên đại học theo chuyên ngành hẹp, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoa có một tổ văn phòng làm nhiệm vụ giúp Ban chủ nhiệm khoa các công việc về văn thư - lưu trữ, giáo vụ và quản lí sinh viên.
Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo của Khoa tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài trường, xây dựng và từng bước phát triển hoàn thiện chương trình đào tạo hệ đại học, trên đại học vừa đảm bảo tính khoa học, hiện đại vừa có tính thực tiễn, đồng thời liên thông với các bậc học, các hình thức đào tạo giáo viên tiểu học khác. Trên cơ sở đó, Khoa đã tổ chức biên soạn bộ giáo trình hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa.
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, Khoa Giáo dục Tiểu học đã trở thành đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đa dạng hoá các loại hình đào tạo, góp phần nâng cao trình độ giáo viên tiểu học. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giành được sự tín nhiệm của nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan quản lí giáo dục, trung tâm nghiên cứu. Năm 1993, Khoa bắt đầu tham gia đào tạo các hệ không chính quy, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên tiểu học. Khoa đã liên kết đào tạo với các đơn vị giáo dục tại gần 50 tỉnh thành trong cả nước. Cho đến nay, Khoa đã đào tạo được trên 1.500 cử nhân hệ chính quy và chuyên tu tập trung, trên 60.000 cử nhân các hệ tại chức, giáo dục từ xa, liên thông, văn bằng hai, đã và đang đào tạo gần 200 thạc sĩ. Trong số sinh viên đã tốt nghiệp, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục địa phương, là lực lượng nòng cốt về chuyên môn của các trường tiểu học. Chất lượng và hiệu quả đào tạo của Khoa được xã hội, đặc biệt là các sở Giáo dục và Đào tạo và chính người học, đánh giá cao.
Luôn quan tâm đến việc rèn luyện tay nghề cho sinh viên, Khoa đã phối hợp chặt chẽ với nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là 4 trường tiểu học thực hành (Tiểu học Hoàng Diệu, Tiểu học Thành Công B, Tiểu học Quan Hoa, Tiểu học Dịch Vọng B) để triển khai các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong quá trình đào tạo, Khoa luôn chú trọng phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, nhờ đó, các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được giải cấp trường và cấp quốc gia.
Bên cạnh thành tích nổi bật về đào tạo, Khoa có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều cán bộ trong Khoa là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 80 giáo trình sư phạm, hơn 170 đầu sách bao gồm sách giáo khoa, sách bồi dưỡng giáo viên và tài liệu tham khảo, hơn 80 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và hơn 200 công trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ của khoa là cộng tác viên tích cực của các nhà xuất bản, các chương trình và dự án (như Phát triển giáo viên tiểu học, Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bàn tay nặn bột, VNEN, Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc,…). Khoa đã giúp nhiều trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Một số cán bộ của Khoa được cử làm chuyên gia giảng dạy ở Campuchia, Nhật Bản và một số nước châu Phi.
Với nhận thức đội ngũ cán bộ là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Khoa đã đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ: từ chỗ có 2 cán bộ trong ngày đầu mới thành lập, hiện nay khoa đã có 28 cán bộ, trong đó có 1 GS, 7 PGS, 5 TS, 14 ThS, 1 cử nhân; một số giảng viên đang hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh hoặc cao học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng đội ngũ, Khoa rất chú trọng đến công tác bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của cán bộ. Nhiều cán bộ trong Khoa được cử đi thực tế giao lưu kinh nghiệm đào tạo với các nước bạn.
Nhìn lại chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, mỗi thành viên của Khoa Giáo dục Tiểu học đều phấn khởi và tự hào khi thấy rằng Khoa đã khẳng định một chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc mở ngành đào tạo giáo viên tiểu học trình độ đại học và trên đại học. Khoa Giáo dục Tiểu học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng uỷ và Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giao phó, đã góp phần tích cực và xứng đáng trong việc phát huy vai trò và vị thế của trường sư phạm trọng điểm quốc gia đối với ngành giáo dục và các địa phương trong cả nước. Khoa đã chứng minh cho một phương thức tổ chức quản lí đào tạo theo cơ chế gọn nhẹ mà hiệu quả: mặc dù số lượng cán bộ không nhiều, tuổi đời và tuổi công tác chưa cao nhưng khi biết cách tổ chức và động viên cán bộ trong Khoa, biết tập hợp và phát huy đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài trường thì vẫn có thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong một thời gian không dài. Với 35 năm xây dựng và trưởng thành, khoa đã từng bước khẳng định vị trí của mình là đơn vị đầu tiên và đầu đàn của các trường sư phạm trong cả nước về đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ đại học và trên đại học. Bằng thực tiễn sinh động và giàu sức thuyết phục của quá trình đào tạo, Khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đối với nhiều địa phương và các bậc phụ huynh trong cả nước.
Sự nỗ lực của thầy trò khoa Giáo dục Tiểu học đã được đền đáp xứng đáng. Trong nhiều năm liên tục, tất cả sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học ngay sau khi tốt nghiệp đại học đều có việc làm đúng nghề và phù hợp với nguyện vọng. Điều này tạo sự yên tâm về nghề nghiệp trong tương lai cho các sinh viên đang học tập tại Khoa, tạo niềm tin cho học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh khi lựa chọn khối thi và ngành thi đại học cho các em. Đây là niềm vui, niềm tự hào, niềm hãnh diện của tất cả cán bộ, sinh viên khoa Giáo dục tiểu học.
Những thành tích mà khoa giáo dục tiểu học có được trước hết là nhờ chủ trương đúng đắn, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các vụ chức năng, sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các khoa, tổ, phòng ban trong toàn trường; là kết quả của các mối quan hệ hợp tác liên kết giữa khoa Giáo dục Tiểu học với các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lí giáo dục ở các địa phương.
Đặc biệt, những thành tích đạt được trên đây là kết quả tất yếu của sự phối hợp đồng bộ giữa tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Khoa, là kết quả của tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của các thế hệ cán bộ và sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học dưới sự dẫn dắt của các “nhạc trưởng” là PGS. Phan Thiều, PGS.TS Vũ Quốc Chung, PGS.TS. Trần Diên Hiển và TS. Đặng Thị Kim Nga – các trưởng khoa tiền nhiệm dày dạn kinh nghiệm và đầy trách nhiệm với sự nghiệp của Khoa.
Những ngày này, chúng tôi bồi hồi nhớ đến những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lên khoa Giáo dục Tiểu học ngày nay, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của PGS. Phan Thiều – vị trưởng khoa đầu tiên, người đồng nghiệp, người anh, và người thầy đáng kính của các thế hệ cán bộ và sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến công lao của các giáo sư, các nhà khoa học và các nhà giáo trong suốt 35 năm qua đã dành cho Khoa tình cảm đặc biệt, không quản khó khăn vất vả giúp Khoa xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và tham gia giảng dạy, triển khai kế hoạch đào tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy vai trò và uy tín của Khoa.
Với những thành tích đã đạt được, khoa Giáo dục Tiểu học đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Hải Hương, Đồng Nai,… Một số cán bộ của Khoa được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", nhiều người được nhận những phần thưởng cao quý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành...
Không chỉ làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn, các thành viên của Khoa Giáo dục Tiểu học còn là những người nghĩa tình sâu nặng. Trong 35 năm qua, biết bao buồn vui đã được chia sẻ, biết bao cuộc chia tay đã diễn ra, có những người đã đi vào cõi vĩnh hằng, như PGS. Phan Thiều, các nhà giáo Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Thị Quắt, Lê Thị Huệ, Phạm Thị Tuyết… Tình người trong Khoa lúc nào cũng nồng ấm, đầy đặn. 35 năm qua, biết bao biến cố xảy ra đối với mỗi thành viên trong Khoa. Những chuyện vui, chuyện buồn của mỗi người đều được tất cả mọi người trong khoa quan tâm, chia sẻ như việc của chính mình. Trong những sự kiện như thế, Ban chấp hành công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, tổ chức các hoạt động chia vui sẻ buồn với bạn bè, đồng nghiệp. Thuở hàn vi gian khó, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mọi người nhường cho nhau quyền lợi, gánh vác giúp nhau những khó khăn. Rồi những khó khăn nhọc nhằn dần qua, mọi người bàn nhau tổ chức những chuyến tham quan sau thời gian lao động vất vả. Ban chấp hành công đoàn đã tổ chức cho cán bộ trong khoa du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước: Tam Đảo, Chùa Hương, Sa Pa, Yên Tử, Nam Ninh, Singapore, Hồng Kông, Campuchia, Côn Minh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàn Quốc, Thái Lan,... Những chuyến đi như thế không chỉ giúp các thành viên trong Khoa biết thêm một vùng đất mới, mở mang thêm hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội quanh mình, mà còn thắt chặt thêm tình thân giữa mọi người.
Có thể nói Khoa Giáo dục Tiểu học không chỉ có "thương hiệu" đào tạo và nghiên cứu về giáo dục tiểu học, mà còn nổi tiếng về tinh thần đoàn kết - điều mà Khoa lấy làm hãnh diện. Điều này có được là do, tuy mỗi người trong Khoa, từ các thầy cô cao tuổi tới các bạn trẻ mới về Khoa, có một cá tính, nhưng luôn yêu sự hoà hợp, biết thoái biết lui, lấy cái chung làm đại cục. Trong sự gắn kết này, các thầy cô trong Ban chấp hành Công đoàn đóng vai trò quan trọng, mà nòng cốt là các Chủ tịch công đoàn, - năng nổ, tháo vát, luôn lo lắng cho việc công: thầy Vũ Quốc Chung, cô Lê Thu Hiền, cô Nguyễn Khánh Lộc, thầy Đào Quang Trung, cô Trần Ngọc Lan, cô Dương Thị Hương, cô Nguyễn Thị Thấn, cô Vũ Thị Lan Anh,… cùng với rất nhiều công đoàn viên tuy không phải thành viên Ban Chấp hành công đoàn nhưng luôn sẵn lòng gánh vác công việc của Khoa như đó là nhiệm vụ của mình, quan tâm, lo toan cho niềm vui, nỗi buồn của mọi người trong Khoa như của chính gia đình mình…
Sự thân tình giữa các thầy cô giáo trong Khoa đã lan truyền, góp phần làm nên không khí thân ái giữa các sinh viên trong khoa. Quan hệ giữa cán bộ và sinh viên tuy vẫn theo khuôn thước trường học, nhưng vẫn đậm tình: học trò quý trọng thầy cô, thầy cô quý mến học trò. Tình cảm thân thiện đó làm cho tất cả cán bộ, sinh viên, học viên đều coi khoa Giáo dục Tiểu học như ngôi nhà thứ hai của mình, cứ nghĩ tới là bồi hồi, mỗi khi xa đều thấy nhớ, hễ có dịp là muốn trở về, mỗi lần đến là muốn ở lại lâu hơn…
Không thoả mãn với những điều mình đã làm được, Khoa Giáo dục tiểu học luôn rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và tồn tại. Với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa Giáo dục Tiểu học sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy vai trò đầu đàn trong lĩnh vực đào tạo giáo viên tiểu học, góp phần xây dựng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm, thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi về thăm trường: “Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm còn là trường mô phạm của cả nước”, để cán bộ, sinh viên trong Khoa, đều luôn hãnh diện vì mình đang hoặc đã từng học tập, làm việc tại khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Hà Nội…