Có một chút buồn cười khi người cầm bút viết bài giới thiệu về Bộ môn Thực hành sư phạm (THSP) lại là người có tuổi nghề ở Bộ môn ít nhất – chưa đầy hai năm. May mà, do công việc nên người viết cũng biết được ít nhiều về quá trình hình thành và phát triển của Bộ môn!
Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỉ trước, sau 8 năm thử nghiệm với 6 khóa đào tạo chuyên tu (dành cho những giáo viên cấp 1 muốn nâng cao trình độ), Khoa Cấp 1 (nay là khoa Giáo dục tiểu học) đã được trao trọng trách đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ cao – cử nhân giáo dục tiểu học chính quy.
Thấu hiểu được khó khăn sẽ gặp phải khi chuyển sang đào tạo hệ này nằm ở khâu đào tạo nghề, BCN khoa dưới sự chỉ đạo của Chi ủy đã quyết định tìm kiếm một sinh viên giỏi và có nhiều kinh nghiệm làm việc ở trường tiểu học của khóa chuyên tu cuối cùng để giữ lại làm giáo viên thực hành (nay là giáo viên dạy nghề), có nhiệm vụ hướng dẫn các kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên hệ chính quy. Cô Nguyễn Thị Phương, nguyên là giáo viên của một trường tiểu học ở Thái nguyên, đã “lọt vào mắt xanh” của chủ nhiệm khoa lúc đó là thầy Vũ Quốc Chung. Mặc dù, “đơn thương độc mã”, đảm nhận một nhiệm vụ mới không chỉ với bản thân, mà còn mới với cả Khoa, nhưng cô, dưới sự chỉ đạo của BCN khoa, đã gắng hết sức mình để đặt những “viên gạch đầu tiên xây ngôi nhà” của tổ Bộ môn THSP. Sinh viên và đồng nghiệp vẫn tri ân cô ở sự tận tâm và nhiệt huyết truyền nghề. Nay, tuy đã được nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác, nhưng cô vẫn tiếp tục “vì nhân dân phục vụ” và vẫn là ứng viên sáng giá cho vương miện “Hoa hậu quý bà” nếu Khoa Giáo dục tiểu học tổ chức cuộc thi tìm kiếm người đẹp!
Sinh viên của khóa đào tạo chính quy đầu tiên cũng đến ngày “vinh quy bái tổ”. Ý nghĩa của việc Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm càng được khẳng định. Một lần nữa, BCN khoa lại tìm kiếm “người tài”. Lúc này, hai sinh viên giỏi của khóa 42 là Dương Giáng Thiên Hương và Vũ Thị Lan Anh đã được Khoa giữ lại làm giáo viên thực hành. Họ - hai người bạn, tuy khác nhau về “vóc dáng”, nhưng lại giống nhau về nhiều điểm: đều có chí tiến thủ, có năng lực chuyên môn tốt, đều lần lượt đảm nhận vai trò trưởng Bộ môn… Giờ đây, những con chim đầu đàn trưởng thành đã rời khỏi Tổ. Một người trong họ đang là phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp trường ĐHSP Hà Nội (cô Dương Giáng Thiên Hương), một là chủ tịch Công đoàn khoa (cô Vũ Thị Lan Anh). Mặc dù, họ không còn thành viên của Bộ môn, nhưng đồng nghiệp vẫn mãi ngưỡng mộ về họ như một “đôi bạn cùng tiến” mẫu mực và cuốn giáo trình đầu tiên do họ viết, làm chủ biên đang là “cẩm nang” cho việc giảng dạy của Bộ môn.
Hai mươi hai năm qua, cùng với sự hình thành và phát triển của khoa Giáo dục tiểu học, Bộ môn THSP đã trải những bước dài. Từ chỗ là một bộ phận trực thuộc Bộ môn Tâm lí học – Giáo dục học, BCN khoa, THSP đã chính thức trở thành một Bộ môn với tâm huyết của thầy Trần Diên Hiển – chủ nhiệm khoa thời đấy. Từ chỗ mày mò từng nội dung để hướng dẫn sinh viên thực hành nghề, đến nay Bộ môn đã có hẳn chương trình các học phần lẫn chuyên đề và cùng với chúng là những giáo trình, tài liệu hướng dẫn. Đội ngũ cán bộ của Bộ môn dù có biến động nhưng không ngừng vững mạnh. Họ không những là giáo viên dạy nghề cho khoa, mà còn là những “thỉnh giảng” của một số trường đại học và cao đẳng khác. Ngoài giảng dạy, họ còn là những “nghiên cứu viên” tham gia các đề tài cấp trường, cấp bộ và là tác giả của không ít những giáo trình, sách, tài liệu tham khảo, bài báo khoa học…
Họ là:
 |
Quản Hà Hưng
- Sinh năm: 1979
- Cử nhân: Giáo dục Tiểu học (K48)
- Thạc sĩ: Giáo dục tiểu học (K15)
- Năm về Bộ môn:
- Lĩnh vực giảng dạy : Thực hành sư phạm
|
Anh là người có thâm niên lâu nhất ở Bộ môn và là người mang nhiều yếu tố “ngoại quốc” nhất khoa. Họ của anh khiến ta nghĩ rằng anh là cháu nhiều đời của Mao Trạch Đông. Gương mặt anh phảng phất một “mùi Hàn Quốc”. Tầm vóc anh vươn tới tận vùng Caribe để mang dấu ấn một ai đó ở Brazin. Anh là “niềm mơ” của các chị em! Vốn là một lớp trưởng dày dạn kinh nghiệm, anh dễ dàng trở thành một MC chuyên nghiệp và có duyên. Anh ở lại khoa đã không chỉ “tăng lực” được cho việc rèn nghề, mà còn “tăng cân” được cho phái mạnh nhằm đảm bảo sự “cân bằng sinh thái” trong khoa. Tuy chưa từng trải qua những năm tháng công tác ở trường tiểu học, nhưng với quan niệm sống: luôn nhiệt tình, cầu thị trong công việc và luôn nỗ lực để vượt lên chính bản thân mình trong cuộc sống, anh thâm nhập vào nghề dạy học ở tiểu học rất nhanh. Anh là tác giả của 4 cuốn giáo trình và sách cũng như của 2 bài báo khoa học. Ngoài ra, anh còn là một thỉnh giảng có uy tín của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, Tây Bắc.
 |
Ngô Vũ Thu Hằng
- Năm sinh: 1981
- Cử nhân: Giáo dục tiểu học (K49)
- Tiến sĩ: Giáo dục tiểu học
- Về Bộ môn: 2003 |
Chị là người có thâm niên cao thứ hai ở Bộ môn: 10 năm. Là một trong những “Sao” của K49 – một khóa đầy ắp những sinh viên tài năng. Chị được giữ lại đã làm cho “mùi văn chương” của khoa ngây ngất hơn! Cái vẻ bề ngoài hiền thục với mái tóc dài rất Việt Nam không kéo níu nổi chị với cuộc sống đời thường. Chị tự nhận mình là người:
Trí não không phát triển bằng trí nhớ
Trí tưởng bở phát triển nhiều hơn tư duy
Lấy “sống là đi” để kéo mình chậm lại
Lấy bé dại làm bạn đồng hành
Lấy mầm xanh làm tình yêu cuộc sống
Chị đã “lên đường” sang trời Âu để chinh phục “miền đất mới”. Khao khát của chị là tìm hiểu nhiều hơn về trẻ em để thỏa tình yêu thương và sự tò mò, ngạc nhiên về chúng!
Nguyễn Thị Phương Thịnh
- Năm sinh: 1978
- Cử nhân: Giáo dục tiểu học (K47)
- Thạc sĩ: Giáo dục tiểu học
- Về khoa: 2001
- Về Bộ môn: 2009
|
Chị là người tuy có thâm niên cao thứ ba ở Bộ môn nhưng lại có thâm niên làm việc ở khoa nhất nhì Bộ môn. Vốn là sinh viên giỏi được giữ lại khoa, ban đầu, không phải là để làm giáo viên dạy nghề. Mặc dù, nhiều năm liền làm công tác hành chính nhưng lòng yêu nghề từ thuở sinh viên vẫn âm ỉ cháy. Cho đến một ngày, ngọn lửa ấy bùng cháy và cuốn luôn cả BCN khoa vào “lửa”. Đến một ngày đẹp trời khác, “xe cứu hỏa của trường” đồng ý dịch chuyển người “gây hỏa” sang một vị thế khác – giáo viên dạy nghề, để lại sự “ ngẩn ngơ trong lòng” cho không ít người! “Thông minh vốn sẵn tính trời” lại tận tâm với công việc, chị tiếp cận nhanh với công việc mới và hiện nay đang là trợ thủ đắc lực cho BCN khoa về công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Tuy mới “nhập cuộc” nhưng chị đã là tác giả của nhiều tài liệu tham khảo cho học sinh, giáo viên và phụ huynh tiểu học, của những bài báo khoa học.
 |
Nguyễn Thị Như Quỳnh
- Sinh năm 1974
- Cử nhân: Giáo dục tiểu học
- Năm vào ngành Giáo dục : 1996
- Năm vào Khoa Giáo dục Tiểu học: 2010
- Lĩnh vực giảng dạy : Thực hành sư phạm
|
Chị là người có nhiều “cái nhì” nhất trong Bộ môn. Cái nhì thứ nhất là những mùa xuân đã trải qua trong đời của chị chỉ kém một người. Cái nhì thứ hai là thâm niên trong nghề giáo cũng kém chỉ một người. Cái nhì thứ ba là tuổi nghề ở tổ Bộ môn cũng chỉ đứng trước một người. Là sinh viên khóa đào tạo chính quy đầu tiên của khoa, ra trường, chị “phiêu du” ở các trường tiểu học khác nhau của Hà Nội để “học làm thầy”. Lăn lộn trong thực tiễn trường tiểu học song chị vẫn mang một niềm mong ước được trở về khoa. Nên, khi nhận được “tín hiệu”, mặc dù đang ở thời kì “lên đỉnh ôlimpia” trong nghề nghiệp tại trường tiểu học, nhưng chị dừng lại, đổi hướng đến với khoa GDTH. Nếu không thì khoa Giáo dục tiểu học chắc gì có cơ may tìm được một người truyền nghề đầy ắp kinh nghiệm về trường tiểu học như chị. Mong chị đang ngày càng thể hiện rõ vai trò “trụ cột” của mình trong Bộ môn!
 |
Phan Thị Hạnh Mai
- Năm sinh: 1959
- Cử nhân: SPTH
- Tiến sĩ: TLH chuyên ngành
- Vào ngành: 1979
- Về khoa: 1990
|
Con người và cuộc đời chị toát lên vẻ “lệch chuẩn”. Người đời thường ngưỡng vọng cảnh “chồng cao vợ thấp”, chị lại suy tôn cảnh “chồng thấp vợ cao”. Để rồi từ một người Á châu đặc sệt, chị mang dần “âm hưởng” của “một kẻ” Âu châu – luôn nói về thời tiết, khi thường xuyên phải trả lời câu hỏi “Trên kia có mát không?”. Vào cái tuổi, người ta bắt đầu “xét nét” người yêu của con cái, thì chị lại tí tửng “xem xét” người của mình. Để rồi oan uổng cho nhiều người khi phải nhường ghế ôtô buýt cho “hai bà cháu”, những lúc chị đưa con đi học! Không ít người tưởng chị là giáo viên thể dục. Có lẽ bởi mọi tinh túy của chị đã dồn hết cho sự phát triển tứ chi! Ở vào cái thời, người ta thay xe “như thay áo”, khẳng định “sức mới” của mình ở các kiểu tóc. Chị lại nhẫn nại tìm kiếm “lẽ đi lại” của mình ở cái ôtô buýt và khẳng định lòng chung thủy ở một búi tóc! Cái vẻ bề ngoài lạnh lùng, chỉnh chu, cứng nhắc của một người giáo viên ở chị lại chấp chứa bên trong “cả một trời cợt nhã”, nhất là lên chính mình! Người ta càng về già càng ít tham lam, chị tham lam một cách thản nhiên cho đến khi già! Chẳng là, chị vô tư nhận thêm chức trưởng Bộ môn khi kinh nghiệm hành nghề của một giáo viên tiểu học chỉ mới “bập bẹ vài ba chữ” qua trải nghiệm với con và sắp sửa bước vào tuổi được gõ “Cổng Nhà Trời” xin xếp số...
Chân dung các thành viên của Bộ môn THSP qua các thời kì
(Từ trái qua phải: Nguyễn Thị Phương Thịnh, Dương Giáng Thiên Hương, Phan Thị Hạnh Mai, Quản Hà Hưng, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Vũ Thị Lan Anh)
Bộ môn Thực hành sư phạm qua các thời kì
- Từ 1992 – 2002: Bộ phận Giáo viên thực hành thuộc về Bộ môn TLH – GDH, do chị Nguyễn Thị Phương phụ trách;
- Từ 2003 – 2004: Bộ phận Giáo viên thực hành trực thuộc BCN Khoa, do TS. Dương Giáng Thiên Hương phụ trách;
- Từ 2005 – 2008: Bộ môn THSP do TS. Dương Giáng Thiên Hương làm trưởng Bộ môn;
- Từ 2009 – 2011: Bộ môn THSP do TS. Vũ Thị Lan Anh làm trưởng Bộ môn;
- Từ 2012 – 2014: Bộ môn THSP do TS. Phan Thị Hạnh Mai làm trưởng Bộ môn.
- Từ 2014 - nay: Bộ môn THSP do ThS. Quản Hà Hưng làm trưởng Bộ môn