Trong 8 tuần rèn luyện nghiệp vụ tại trường Tiểu học Quan Hoa ( Nguyễn Khang – Cầu Giấy – Hà Nội ), đoàn sinh viên K62 đã có thời gian tiếp xúc với học sinh, hiểu và gần gũi học sinh, trau dồi kiến thức chuyên môn dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên. Dưới đây là những bài học kinh nghiệm các bạn sinh viên đã rút ra qua buổi thảo luận về chuyên môn. Các nội dung đã được bạn Phan Hà (K62) tổng hợp và ghi chép lại.
Từ lâu, những đợt Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên đã trở thành dịp để mỗi sinh viên sư phạm có cơ hội thực hành các kiến thức đã học được cũng như trau dồi những kinh nghiệm sư phạm vô cùng quý báu.
Chúng tôi thấy rằng muốn hoạt động dạy học và giáo dục thành công thì bản thân người giáo viên cần có lòng yêu nghể, mến trẻ, thân thiện, nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, phải có những kĩ năng sau:
- Soạn bài đủ các hoạt động: hoạt động dạy học phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu bài học, không ôm đồm quá nhiều hoạt động, dạy học đúng quy trình, thuần thục, uyển chuyển.
- Tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh: các hoạt động có mục đích dạy học rõ ràng, tạo điều kiện để học sinh được hoạt động, kích thích hứng thú của học sinh
- Có những quy ước giữa giáo viên và học sinh: giáo viên không nói quá nhiều, thay vào đó là các quy ước bằng cách gõ bảng, đặt thước,..
- Tổ chức lớp học: tạo điều kiện cho học sinh tham gia, quản lí lớp học, xây dựng mô hình cho học sinh tương tác với nhau.
- Giao tiếp với học sinh: thân thiện, vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng, lắng nghe những chia sẻ của học sinh, không tạo khoảng cách cô – trò.
- Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, các thiết bị hỗ trợ việc dạy và học: soạn powerpoint: đúng và đủ, đưa ra đúng lúc, không lạm dụng.
- Dạy học sáng tạo: giáo viên cần trau dồi kinh nghiệm, đầu tư thời gian đưa ra các ý tưởng mới, làm giờ học trở nên thú vị, hấp dẫn học sinh, mở rộng kiến thức đúng chỗ, tích hợp nhiều kiến thức trong hoạt động.
- Tổ chức, dàn dựng các tiết mục văn nghệ: tìm hiểu, lựa chọn bài hát, nắm được những học sinh có năng khiếu văn nghệ, tổ chức tập cùng học sinh, nhiệt tình, vui vẻ.
- Nhận xét học sinh: dùng lời lẽ nhẹ nhàng, nhận xét cụ thể từng học sinh, giúp học sinh phát triển, thể hiện bản thân, tránh áp đặt, so sánh khiến học sinh tự ti, rụt rè.
- Kiên nhẫn, kiềm chế cảm xúc: giáo viên cần bình tĩnh xử lí các tình huống, không nên cáu giận, trách phạt nặng nề học sinh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn khi dạy học, cụ thể là:quy trình dạy học vần nhiều bước, nhiều thao tác, dễ rối, khó nhớ; sĩ số học sinh quá đông; thời gian xuống trường ít, học sinh không hợp tác trong tiết dạy; chưa biết cách nhận xét học sinh sao cho không áp đặt; khó quản lí học sinh; thiếu kinh nghiệm giảng dạy thực tế, khó đặt câu hỏi đúng trọng tâm; xử lí tình huống sư phạm; giải quyết các vấn đề ngoài lề của học sinh, học sinh hỏi nhiều, làm sao để tiêt học có cảm xúc.
Chúng tôi hi vọng rằng những đợt rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tiếp theo sẽ đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu để ngày trưởng thành hơn, vững bước trong sự nghiệp trồng người của đất nước.