1. Đặt vấn đề
Trong xu hướng đổi mới dạy và học hiện nay, giáo dục tiểu học cũng không nằm ngoài sự vận động đó. Thực tế cho thấy, những đổi mới trong dạy và học ở tiểu học đã góp phần tạo nên một gương mặt mới, sinh động và cởi mở hơn cho nền giáo dục tiểu học nước nhà. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dạy và học tiểu học ở nước ta vẫn bị cho là khô cứng hơn, chưa thật hấp dẫn. Giáo viên nặng về truyền thụ kiến thức mà ít gợi mở, ít quan tâm đến những yếu tố mang tính nghiệp vụ sư phạm ngoài bài học. Điều này là do quan niệm của những người giáo viên, nhìn nhận công việc giảng dạy một cách phiến diện, đơn giản. Dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức, áp dụng máy móc các phương pháp, kĩ thuật dạy học mà nó còn là một nghệ thuật. Làm thế nào để mỗi giờ học luôn thu hút học sinh, tạo ra những động cơ học tập tích cực từ phía các em quả thật là điều không dễ. Tuy nhiên, nếu người giáo viên chú ý và thực hiện tốt những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản thì vẫn có thể biến một giờ học thành một sân khấu hấp dẫn mà ở đó học sinh là những diễn viên chính và giáo viên là người đạo diễn tài ba.
2. Một số kĩ năng nghiệp vụ sư phạm giáo viên cần chú trọng trong quá trình dạy học ở tiểu học
2.1. Kĩ năng nói
Yếu tố tối thiểu đối với người giáo viên là không được ngọng. Lời nói của giáo viên cần phải chuẩn mực. Vì đối tượng giao tiếp là đông đảo học sinh (ít nhất 25 em trong một lớp) cho nên yêu cầu giọng nói cần to, rõ ràng, tự nhiên và gần gũi với các em. Tính truyền cảm là không thể thiếu. Một giờ học giáo viên không thể đều đều một sắc thái giọng nói từ đầu chí cuối. Như vậy, nó tạo ra sự tẻ nhạt, buồn chán và ru ngủ học sinh, trực tiếp làm cho các em không còn hứng thú với buổi học đó. Truyền cảm ở đây cần phải hiểu một cách linh hoạt. Nói khi giảng bài khác với khi đặt yêu cầu, ra câu lệnh, khác với khi giao tiếp, kích thích học sinh trình bày… Nó khác ở giữa môn này với môn khác, giữa học sinh này với học sinh khác.
2.2. Kĩ năng đặt câu hỏi
Một trong những con đường đưa học sinh đến với chân trời tri thức, giúp các em tự khám phá ra chân lí đó là cách đặt câu hỏi của người giáo viên. Việc đặt câu hỏi phải giúp các em phát triển tư duy, buộc học sinh phải suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Tránh trường hợp giáo viên đưa ra câu hỏi quá dễ, đáp án nằm sẵn trong câu hỏi, như vậy sẽ không có ý nghĩa sư phạm gì. Câu hỏi phải bảo đảm tính khái quát, tính trọng tâm, tính thẩm mĩ và tính phát triển. Để đặt được những câu hỏi hay, buộc người giáo viên phải chuẩn bị trước và có sự đầu tư nhất định. Những câu hỏi hay thực sự góp phần không nhỏ vào thành công của giờ học.
2.3. Kĩ năng tạo và xử lí tình huống
Kĩ năng tạo và xử lí tình huống có thể coi là một thủ pháp tạo điểm nhấn cho giờ học, có ý nghĩa mở rộng, khắc sâu kiến thức cho học sinh. Có hai loại tình huống: tình huống giáo dục và tình huống dạy học. Tình huống có thể phát sinh từ phía học sinh, cũng có thể do giáo viên cố tình đặt ra. Quan trọng là cách xử lí tình huống. Nó là một trong những yếu tố phân biệt cũng như khẳng định khả năng, trình độ giữa các giáo viên. Một người giáo viên giỏi là người không những biết tạo mà còn biết xử lí tình huống một cách khéo léo, bảo đảm tính sư phạm, tính giáo dục, mang lại những giây phút sôi nổi, thú vị cho giờ học.
2.4. Kĩ năng trình bày bảng
Chiếc bảng lớp phản ánh nội dung chính của giờ học, qua đó cũng phản ánh được phần nào người sử dụng nó. Yêu cầu đối với việc trình bày bảng đó là trình bày khoa học, bố cục rõ ràng, chữ viết đẹp, ghi lại được những nội dung trọng tâm, cơ bản của giờ học. Đôi khi những minh hoạ bằng hình vẽ cũng làm cho chiếc bảng sinh động, hấp dẫn hơn rất nhiều.
2.5. Kĩ năng sử dụng đồ dùng trực quan
Dạy học ở tiểu học gắn liền với đồ dùng trực quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đồ dùng trực quan nhiều khi không được sử dụng đúng mục đích. Một số giáo viên sử dụng chúng mang tính phô diễn hơn là chiếc cầu nối giúp học sinh đi đến tri thức cần đạt. Kĩ năng sử dụng đồ dùng trực quan trước hết là việc lựa chọn đồ dùng phù hợp với giờ học, cho nội dung học, sau đó mới đến việc thuyết minh, trình bày nó. Đồ dùng trực quan phải bảo đảm tính an toàn, tính thẩm mĩ, tính sư phạm. Khi sử dụng đồ dùng trực quan, giáo viên cần chú ý là làm sao tất cả học sinh trong lớp đều có thể quan sát, cảm nhận đồ dùng trực quan như nhau. Tránh trường hợp chỉ những học sinh ở bàn trên, hoặc những học sinh ở gần giáo viên mới “biết đến” đồ dùng trực quan, còn những học sinh khác cảm nhận nó như một “ảo ảnh”.
2.6. Kĩ năng tương tác, giao lưu với học sinh
Dạy học không chỉ là truyền thụ tri thức. Cách hay hơn đó là gợi mở, kích thích để học sinh tự tìm ra tri thức, biến tri thức đó thành của mình. Muốn như vậy đòi hỏi người giáo viên phải có khả năng tương tác tốt với học sinh. Trong quá trình dạy, người giáo viên cần phải quan sát học sinh, hướng tới người nghe một cách có chủ định. Việc giao lưu bằng mắt với học sinh, việc đưa ra những câu nói mang tính động viên, khuyến khích học sinh nói, trình bày, hoạt động… có ý nghĩa quan trọng. Người giáo viên cần phải biết khai thác những khả năng sẵn có trong mỗi học sinh, giúp các em biết cách tự thể hiện mình, làm sao để học sinh nói được nhiều, nói được đúng, được hay và hào hứng, sôi nổi với bài học. Khả năng hài hước, hóm hỉnh của người giáo viên cũng góp phần làm cho giờ học trở nên tự nhiên, thú vị, làm bớt đi cái căng thẳng, khô cứng của nội dung học.
2.7. Kĩ năng đánh giá
Đây là kĩ năng phản hồi. Nhiều giáo viên coi nhẹ việc đánh giá. Họ chỉ dừng lại ở việc phán xét đúng – sai, tốt – chưa tốt. Quan niệm đó là sai lầm. Ở bậc tiểu học, việc đánh giá có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Học sinh tiểu học với khả năng phân tích sự việc, nắm bắt bản chất vấn đề chưa thật thấu đáo thì mỗi lời nhận xét từ phía giáo viên, bạn bè đều có những tác động nhất định đến các em. Các em rất sợ bị chê, bị mắc lỗi, bị phê bình. Bị chê nhiều, phê bình nhiều khiến các em mất tự tin, từ đó ngại phát biểu, ngại thể hiện mình. Các em thích được khen, được cổ vũ. Do đó, giáo viên cần dành nhiều lời khen ngợi khi các em làm đúng, làm tốt, tránh nói thẳng, phê bình thẳng khi các em làm sai. Thay vào đó là những lời động viên, khuyến khích để các em có động lực cố gắng cho những lần sau, tạo cho các em mong muốn được làm lại, làm tốt hơn. Giáo viên nên tìm cách nói giảm, nói tránh khi các em làm chưa đúng để các em không có cảm giác nặng nề hoặc tự ti với bạn bè.
2.8. Kĩ năng phối hợp các hình thức, phương pháp dạy học tập trung vào người học
Hiện nay, việc sử dụng nhiều hình thức dạy học khác nhau đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Học theo nhóm, học ngoài hiện trường, sân khấu hoá… làm cho không gian học cởi mở hơn rất nhiều, phát triển ở học sinh những kĩ năng quan trọng như kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trình diễn… Bên cạnh đó, việc linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học tập trung vào người học cũng góp phần làm cho giờ học trở nên sinh động, nhiều màu sắc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực từ phía học sinh. Một yêu cầu quan trọng đó là người giáo viên cần phải tính toán để lựa chọn hình thức, phương pháp sao cho phù hợp với nội dung bài học. Khi đã xác định được phương pháp, hình thức dạy học rồi, giáo viên cần phải thực hiện nó theo đúng quy trình, tránh hiện tượng giờ học chỉ là sự biểu diễn máy móc các hình thức, phương pháp dạy học hoặc để chúng nằm ngoài sự kiểm soát, tạo nên một hiệu quả dạy học ngược lại.
3. Kết luận
Thực tế cho thấy, hiện nay, giáo viên tiểu học vẫn còn chú trọng vào nội dung dạy học hơn là kĩ năng, phương pháp dạy học. Cách đi như vậy là không đúng hướng khi mà bậc tiểu học vẫn được quan niệm là bậc của phương pháp, bậc của cách dạy. Thiết nghĩ để thực hiện được khẩu hiệu dành cho học sinh “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thì vai trò của người giáo viên là rất lớn. Các em không chỉ mong muốn tìm được những niềm vui trong tình bạn, tình thầy trò mà còn là những niềm vui trong từng giờ học trên lớp. Để có những giờ học vui, hấp dẫn, thú vị thì tình yêu trẻ, kiến thức lí thuyết vững thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi ở mỗi giáo viên tiểu học khả năng nghiệp vụ sư phạm tốt. Vì thế, cần nâng cao hơn nữa việc rèn luyện các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm đối với mỗi giáo viên tiểu học trong thời đại hiện nay.
TS. Ngô Vũ Thu Hằng
(Nguồn: Tạp chí Giáo dục)
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Vũ Thu Hằng - Thiết kế và sử dụng câu hỏi trong dạy học Tiếng Việt bậc tiểu học - Tạp chí Giáo dục, số 152 – tháng 12. 2006
2. Dương Thị Hương, Đặng Thị Kim Nga - Đề cương giáo án rèn luyện NVSP “Rèn kĩ năng tiếng Việt – Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP Hà Nội.