SẼ NHỚ MÃI NHỮNG PHÚT GIÂY BÊN NHAU
“Trăng ơi…từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em?”
(Trăng ơi…từ đâu đến - Trần Đăng Khoa)
Tôi đã từng nghe cô giáo của tôi kể câu chuyện về ý nghĩa tồn tại của vầng trăng rằng khi vạn vật chìm vào bóng tối, nguồn sáng duy nhất mình có được là ánh trăng, dù mình đi đến đâu, trăng lúc nào cũng đi theo đấy! Làm cô giáo cũng như trở thành một vầng trăng vậy – chúng ta sẽ là người truyền cho học sinh kiến thức, đam mê và tình yêu với cuộc sống này, sẽ luôn là người bạn đồng hành cùng các em trên mọi cuộc hành trình hướng đến chân - thiện - mỹ. Một nghề thân thuộc mà cao quý như trăng, từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã luôn mong lớn lên có thể trở thành một cô giáo...! Nhiều năm trôi qua... Giấc mơ từ ngày thơ ấu vẫn luôn là ngọn lửa âm ỉ cháy trong tôi, thôi thúc tôi phải cố gắng thật nhiều để biến giấc mơ năm ấy thành sự thật. Và ngày hôm nay đây, tôi tự hào trở thành tân sinh viên của Đại học sư phạm Hà Nội, để viết tiếp những trang cổ tích mộng mơ nhất về một vầng trăng đem ánh sáng của mình soi sáng cho muôn người, thứ ánh sáng dịu dàng mà mãnh liệt kết tinh từ bao tâm huyết và đam mê đối với "nghề gieo chữ". Tuy nhiên, tôi hiểu rằng: để trở thành một giáo viên giỏi, ngoài tình yêu nghề, những tân sinh viên như chúng tôi còn phải trau dồi những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết. Vì thế, việc tham gia cuộc thi nghiệp vụ sư phạm đã giúp tôi và các bạn của mình có thêm rất nhiều trải nghiệm quý giá cùng biết bao kinh nghiệm bổ ích làm hành trang cho bản thân mình sau này.
Khi lớp trưởng phổ biến cuộc thi đến cả lớp, những chú chim non mới nhập trường chúng tôi ngơ ngác không định hướng được mình cần chuẩn bị những gì bởi…nhiều phần quá, nào là chào hỏi, văn nghệ, thiêt kế dụng cụ, hoạt động giáo dục, ứng xử. Vậy mà sau 2 ngày cuối tuần bàn tới bàn lui chiêu mộ thành viên, nghĩ ý tưởng, mua đồ dùng, các nhóm đã bắt tay vào công việc. Thành lập ý tưởng thì thật đơn giản, nhưng khi đã nhập cuộc, tôi có thể thấy một sự nghiêm túc, trách nhiệm và quyết tâm trong ánh mắt và hành động của những tân sinh viên năng động. Nhóm văn nghệ với nhóm trưởng là Hà Trang ngày nào cũng phải đến trường tập vào buổi sáng đến trưa mới được nghỉ đi ăn cơm rồi chiều vào học tiếp. Các bạn than ở lại trường buổi trưa mệt lắm, phải đi lang thang ăn uống mà không được nghỉ trưa, chiều vào học sợ không tập trung được. Mọi người chẳng thể giúp đỡ gì, chỉ có thể động viên các bạn cố lên mà thôi.
Chiều hôm ấy chúng tôi đến học, cả lớp bỗng thấy xuất hiện những con vật ngộ nghĩnh màu sắc sinh động được làm từ giấy xốp. Thì ra là sản phẩm bước đầu của nhóm thiết kế dụng cụ do bạn Nguyễn Thùy Linh chỉ đạo. Các bạn cũng phải chuẩn bị vất vả không kém nhóm văn nghệ. Kết thúc mỗi buổi học, các bạn ấy lại xuống sảnh hội trường 11/10 tiếp tục cắt cắt, dán dán, tô tô, vẽ vẽ,… bạn nào tay cũng lấm lem màu nước, keo dán. Nhưng thật không may, chiều tối ngày hôm đó trời trở gió, gió thổi bay những tờ giấy màu, gió làm các bạn phải nheo mắt vì bụi, và gió… làm gãy cả tấm bản đồ bằng xốp mọi người đã cùng nhau vẽ, cùng nhau tô màu. Rắc!!! Tiếng xốp gãy làm mọi người phải hét lên hoảng sợ, các nàng lúng túng cuống quýt vội đứng thành vòng tròn làm lá chắn gió che cho tấm bản đồ. Cảnh tượng khiến những người xung quanh vừa thấy tội nghiệp vừa thấy tức cười, tấm bản đồ nghiễm nhiên trở thành báu vật được các cô gái xinh đẹp nâng niu bảo vệ hết mực. Cuối cùng khi trời lặng gió trở lại, các bạn cùng nhau tìm cách dán lại nó và tiếp tục công việc. Các bạn ơi thành công nào cũng đi kèm với những khó khắn, đôi lúc là những vấn đề hết sức trớ trêu nảy sinh bất ngờ, cùng nhau đoàn kết xử lí là ổn hết thôi!
Lớp K65K chúng tôi những ngày này thật nhộn nhịp, ai ai cũng tất tả tập trung cho phần thi và tác phẩm của mình thật sáng tạo và độc đáo. Sáng tạo và độc đáo ngay trong cách tổ chức và điều hành nhóm làm việc luôn nhé! Nhóm hoạt động giáo dục của bạn Minh Anh có 8 thành viên, nhưng Minh Anh chia thành 3 ban: ban nội dung, ban IT và ban hậu cần. Các bạn thiết kế các trò chơi dành cho học sinh tiểu học, khiến các em học sinh tiếp thu bài học một cách hứng thú hơn. Công việc được phân công cho từng ban. Thật chuyên nghiệp và khoa học!
Nhộn nhịp và nhiều tiếng cười nhất có lẽ là đội kịch tập cho màn chào hỏi của biên kịch kiêm chỉ đạo đạo diễn “chuyên nghiệp” Hoàng Thùy Linh . Các diễn viên đều là lần đầu vào nghề nên vừa diễn vừa bụm miệng cười. Tập được vài buổi các bạn cũng quen với vai diễn và thể hiện được thần thái tốt nhất của nhân vật. Tất cả các hoạt động đều được chuẩn bị rất chu đáo, và có lẽ chúng tôi càng như được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được những lời động viên từ cô Hằng chủ nhiệm lớp tôi. Chỉ một lời cổ vũ “cố lên my dears!” chúng tôi đã thấy ấm lòng và càng quyết tâm hơn nữa. Vậy là các hoạt động đã sẵn sàng để cùng tiến tới tuần nghiệp vụ sư phạm căng thẳng, cam go nhưng cũng đầy thú vị.

Ngày thi đã đến, ngay từ 6h sáng, các cô nàng đã xúng xính áo dài thướt tha tập trung tại hội trường B1. Mở đầu là màn thi văn nghệ múa ô hát bài “Đi học” mà đội văn nghệ của lớp đã vất vả tập dượt bấy lâu nay. Tiếp theo là màn múa đôi ấn tượng trên nhạc nền ca khúc “Tát nước đêm trăng” của hai diễn viên múa Hà Trang và Yến Trang. Có thể nói đây là tiết mục văn nghệ đặc sắc và hấp dẫn nhất khoa, đến nỗi thầy Hưng dẫn chương trình phải thốt lên: “Tôi tin nếu chúng ta có chấm giải văn nghệ giữa các lớp thì lớp K65K sẽ là một đối thủ cực kì nặng kí đây”. Cảm ơn hai tiết mục văn nghệ độc đáo đã giúp lớp chúng ta có ấn tượng tốt đẹp với các thầy cô, các anh chị khóa trên về sự tài năng và sáng tạo của mình!
Nối tiếp đội văn nghệ, đội chào hỏi đã sẵn sàng dự thi với khá nhiều đạo cụ phong phú. Thời gian 3 phút thi chào hỏi trôi qua nhanh chóng, chúng tôi hoàn thành phần thi một cách hài lòng nhưng cũng nuối tiếc thật nhiều. Nuối tiếc vì lúc tập sao mà gian nan đến thế, khi lên diễn thì chỉ trong vòng 3 phút đã kết thúc. Hổng có sao, năm sau bùng nổ tiếp nha các cậu!

Trong khi nhóm ứng xử đang thi thì cùng lúc đó, các thầy cô trong ban giám khảo cũng đi chấm phần thiết kế dụng cụ của các lớp. Lớp chúng tôi gồm có 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm có một bạn thuyết trình. Vì lo lắng cho phần hùng biện của mình mà các bạn cứ thấp thỏm không yên. Nhưng cuối cùng mọi chuyện đều diễn ra khá suôn sẻ, các bạn hoàn thành phần thi của mình. Sau đó chúng tôi lại nghe ban giám khảo nhận xét rằng lớp K65K ý tưởng rất sáng tạo, nhưng dụng cụ hình ảnh còn lỏng lẻo, chúng tôi nhìn nhau an ủi có lẽ là lần đầu nên chúng ta chưa có kinh nghiệm, lần sau chắc chắn sẽ cố gắng nhiều hơn. Tất cả các phần thi đã kết thúc, ai ai cũng thở phảo nhẹ nhõm và mãn nguyện với công sức mình đã bỏ ra chuẩn bị cho cuộc thi. Chúng tôi tự nhủ dù kết quả có ra sao thì tập thể lớp chúng tôi đã cháy hết mình, đã có “một phút huy hoàng” trên sân khấu của quãng đời sinh viên.
Lớp chúng tôi thi đầu tiên nên kết thúc phần thi rất sớm, cả lớp cùng nhau thu dọn rồi cùng ra về sớm hơn các lớp khác. Các bạn đều mệt mỏi vì phải dậy sớm lo lắng cho cuộc thi, ước mong của chúng tôi bây giờ là về nhà ngủ một giấc ngon lành lấy sức chiều tiếp tục đi học chuyên đề. Người ta hay nói việc tốt đẹp nào chúng ta không ngờ tới, thì khi nó xảy ra sẽ khiến con người ta vô cùng hạnh phúc. Chiều hôm ấy đến lớp, lớp trưởng thông báo một tin bất ngờ: lớp chúng tôi đạt GIẢI NHÌ phần thi thiết kế dụng cụ dạy học. Không ngôn từ nào có thể diễn tả được sự ngạc nhiên và niềm vui sướng, chúng tôi chỉ biết hét lên ôm lấy nhau mà chia sẻ niềm vui. Một sự khởi đầu vô cùng suôn sẻ! Năm nhất giải nhì, năm sau nhất định giải sẽ nhiều hơn, cao hơn. Nhất định thế!
Ngày hôm sau chúng tôi có buổi học chuyên đề về công tác giáo viên chủ nhiệm ở bậc tiểu học do cô Phạm Thị Thanh Nhàn phụ trách giảng dạy. Buổi học đã làm tất cả sinh viên K65 khoa giáo dục tiểu học chúng tôi thay đổi nhận thức rất nhiều. Có ai đó đã từng nói “ước mơ phải đi đôi với hành động mới thành công”. Tôi luôn mong muốn mình trở thành một giáo viên tận tình truyền kiến thức, có lòng bao dung yêu thương học sinh, nhưng khi đến với buổi chuyên đề tôi nhận ra tôi chưa xác định được mình phải làm gì để thực hiện mong ước đó. Và cô Nhàn đã giúp chúng tôi tạo lập những dự định ban đầu cho sự nghiệp giáo viên trong tương lai. Không chỉ vậy, tôi còn học được biết bao bài học làm người quý giá, biết bao nghệ thuật đối nhân xử thế đẹp lòng người đối với mọi mối quan hệ trong xã hội. Trước khi mình giảng dạy những điều tốt đẹp đến với học sinh, mỗi chúng ta cần tiếp thu và hiện thực hóa những điều nhân văn ấy vào bản thân mình trước tiên. Chúng tôi nhận ra rằng để trở thành một con người tử tế, một con người khéo léo, một giáo viên thành công như vậy, điều những sinh viên trẻ tuổi chúng tôi cần làm chính là trải nghiệm và dám trải nghiệm. Bởi:
“Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Thì chắc gì ta đã nhận ra ta” (Lưu Quang Vũ)
Tuần nghiệp vụ sư phạm kết thúc, nhưng những dư âm mà nó để lại trong chúng tôi còn mãi ngân vang, giống như một bữa tiệc vui vẻ mở đầu cho chặng đường bốn năm học phía trước. Chúng tôi trở nên thân thiết nhau hơn qua những công việc nhóm. Chúng tôi trở nên tự tin hơn vào bản thân khi tham gia những hoạt động tập thể. Chúng tôi vững tin hơn trên con đường xây dựng tương lai về một nghề gieo chữ cao quý. Chúng tôi đã trải nghiệm những khoảnh khắc thật ý nghĩa khi cống hiến tuổi trẻ nhiệt huyết của chính mình. Tôi nhận ra cái đáng sợ nhất của một con người, đặc biệt là một con người sống trong tuổi trẻ, là đi đến quá bán con đường, mà quay đầu lại vẫn không thể tìm nổi một dấu chân mình trên ấy. Vậy những bạn sinh viên đang trong quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời, bạn có muốn để lại dấu ấn trong tuổi trẻ của mình, để nó mãi là một ký ức rực rỡ tràn ngập sắc màu, một bước đường trưởng thành mà ta sẽ không bao giờ hối hận, một niềm hạnh phúc đáng trân trọng lưu giữ? Tuổi trẻ như một nụ hoa bé nhỏ chỉ xuất hiện một lần trong đời, sống cố gắng hết mình để nụ hoa ấy bung xòe rực rỡ hay phó mặc cho nó chết dần theo từng tích tắc thời gian, là lựa chọn của mỗi chúng ta...Và cuối cùng, hãy để những lời nhắn nhủ tuổi trẻ âm vang mãi trong trái tim chúng ta:
“Youth is not a time of life
It is a state of mind,
It is a matter of the will,
A quality of the imagination,
A vigor of the emotions
Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease” (Samuel Ullman)
PHẠM PHƯƠNG LIÊN K65K - Khoa Giáo dục Tiểu học