Bên cạnh rất nhiều kĩ năng nghiệp vụ sư phạm, kĩ năng sử dụng câu hỏi là một trong những kĩ năng quan trọng trong quá trình dạy học, góp phần không nhỏ vào việc thành công của giờ học. Đối với bộ môn Tiếng Việt – chương trình tiểu học - điều này càng được thể hiện rõ. Để giúp học sinh đi tới tri thức cần thiết đòi hỏi người giáo viên không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải biết cách thiết kế, tổ chức và sử dụng câu hỏi một cách hợp lí để dẫn dắt học sinh tự mình phát hiện và nắm được nội dung, tinh thần của bài học.
Tuy nhiên, hiện nay, dường như kĩ năng thiết kế và sử dụng câu hỏi trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học vẫn chưa thật sự được chú trọng. Điều này có nhiều lí do. Một là do giáo viên trong quá trình dạy chủ yếu bị áp lực của xu hướng “đổi mới phương pháp” – song họ mới thực hiện đổi mới phương pháp ở tầm “vĩ mô” và mới chỉ dừng lại ở hình thức. Hai là do giáo viên chăm chăm chỉ muốn “nhồi nhét” thật nhiều kiến thức vào đầu học sinh, hòng mong muốn sự truyền thụ được đầy đủ, trọn vẹn mà quên đi cái gì có thể đọng lại và bằng cách nào để bài học đọng lại trong đầu các em một cách sâu sắc nhất sau mỗi tiết dạy. Ba là do yếu tố chủ quan. Giáo viên áp dụng một cách máy móc hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa, không có sự sáng tạo, linh động. Họ không ý thức được rằng câu hỏi trong sách giáo khoa chỉ mang tính chất gợi ý chung và đòi hỏi người sử dụng phải biết tổ chức lại một cách phù hợp trong quá trình thực giảng của mình. Việc không chú trọng vào hệ thống câu hỏi đưa ra trong quá trình giúp học sinh đi tới tri thức khiến cho giờ học trở nên khô cứng, đôi khi thành thô, hiệu quả giờ học vì vậy mà chưa cao.
Bên cạnh đó cũng cần phải nói thêm về hệ thống câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học. Nhìn chung, hệ thống câu hỏi được đưa ra đều thoả mãn được các yêu cầu:
- Tính vừa sức
- Tính khái quát
- Tính hệ thống
- Tính phát triển
- Tính thẩm mĩ.
Tính vừa sức đòi hỏi hệ thống câu hỏi phải phù hợp với đặc điểm tâm lí, trình độ nhận thức của học sinh, thông qua quá trình tư duy học sinh có thể trả lời được.
Tính khái quát thể hiện ở chỗ các câu hỏi đều tập trung được những nội dung, những ý cơ bản của bài học. Thật vậy, một bài học thường chứa biết bao kiến thức, không thể dễ dàng gói gọn lại trong năm ba câu chữ. Nếu như tìm hiểu một cách thật cụ thể, tỉ mỉ đôi khi các câu hỏi lại trở nên vụn vặt, tốn diện tích, ảnh hưởng đến việc trình bày của trang sách và không thể mang tính chất “giáo khoa thư”. Muốn vậy, các câu hỏi phải có tính khái quát cao, chứa đựng những ý cơ bản nhất, nổi bật nhất của bài, làm kim chỉ nam để giáo viên dựa vào đó khai thác bài học.
Tính hệ thống thể hiện ở chỗ các câu hỏi đưa ra phải theo một trình tự nhất định, từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng và theo diễn biến của nội dung bài học.
Tính phát triển thể hiện ở chỗ thông qua các câu hỏi có thể phát triển ở học sinh các kĩ năng như:
- Thu thập và tái hiện thông tin
Bao gồm: nhớ lại, liệt kê, quan sát, kể lại, lựa chọn …
- Xử lí hay tạo nghĩa cho thông tin
Bao gồm: giải thích, so sánh, phân tích, tổ chức …
- Ứng dụng hay đánh giá rút ra từ bài học
Bao gồm: áp dụng, dự báo, khái quát, đánh giá, liên hệ …
Nghĩa là nó phát triển tư duy cho học sinh trên cơ sở đó hoàn thiện nhân cách cho các em.
Tính thẩm mĩ thể hiện ở chỗ cách dùng từ, đặt câu sao cho dễ hiểu, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Cùng một nội dung nếu câu hỏi không được tạo ra khéo léo thì không chỉ khiên cưỡng đối với nội dung bài học mà đôi khi còn trở nên phản cảm, thậm chí thô thiển. Ngược lại, nó còn có thể làm cho bài học trở nên đẹp đẽ, đáng yêu hơn, nhất là đối với môn tiếng Việt - bộ môn có tác dụng phát triển vốn ngôn ngữ cho học sinh.
Giáo viên trong quá trình dạy học cần linh hoạt trong việc tổ chức, sử dụng hệ thống câu hỏi để giúp học sinh lĩnh hội bài học. Như đã nói ở trên, câu hỏi trong sách giáo khoa chỉ mang tính chất gợi ý và giáo viên có thể dựa vào đó để triển khai bài đọc.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu thì sách giáo khoa Tiếng Việt vẫn còn vương lại một số hạt sạn. Nếu như giáo viên, trong quá trình giảng dạy của mình, không biết cách sửa đổi, tổ chức lại một cách hợp lí thì có thể làm hạn chế quá trình nhận thức của học sinh, không khai thác hết được giá trị đặc sắc của bài tập đọc. Hạt sạn ở đây thường là sự vi phạm vào những quy tắc, yêu cầu đối với một câu hỏi hoặc là sự thiếu sót nào đó đối với nội dung bài.
Ví dụ
* Bài “Hai bàn tay em” (Tiếng Việt 3 - Tập 1)
Câu 1: Hai bàn tay của bé được so sánh với gì? (khổ thơ 1)
Câu hỏi đặt như vậy không thật hay, hơi thô và cũng không nhất thiết phải ghi rõ khổ thơ 1 như trên. Giáo viên có thể tổ chức lại bằng cách: “Hai bàn tay của bé được so sánh với những hình ảnh nào trong bài thơ?”. Học sinh có thể trả lời là: “Hai bàn tay bé được so sánh như hoa đầu cành.”
Câu 2: Hai bàn tay thân thiết với bé như thế nào?
Câu hỏi trên lệ thuộc khá máy móc vào văn bản thơ và được tạo lập một cách khiên cưỡng. Vẫn nội dung ấy, giáo viên có thể đặt câu hỏi: “Hai bàn tay đã giúp bé làm những việc gì?”. Câu trả lời sẽ là: “Hai bàn tay giúp bé ngủ ngon giấc, giúp bé đánh răng, chải tóc, viết bài.” Và trên cơ sở đó giáo viên có thể đi tới kết luận rằng: “Hai bàn tay rất thân thiết đối với bé.” Hoặc dựa trên câu trả lời đã thu được, giáo viên tiếp tục đặt ra câu hỏi để học sinh đi tới kết luận cần thiết: “Hai bàn tay đối với bé như thế nào?” (Rất gần gũi, thân thiết).
* Bài “Ai có lỗi?” (Tiếng Việt 3 - Tập 1)
Hệ thống câu hỏi đưa ra trong bài chủ yếu yêu cầu học sinh tái hiện lại nội dung bài đọc:
Câu 1: Vì sao hai bạn nhỏ giận nhau?
Câu 2: Vì sao En – ri – cô hối hận, muốn xin lỗi Cô – rét – ti?
Câu 3: Hai bạn đã làm lành với nhau ra sao?
Câu 4: Bố đã trách mắng En – ri – cô thế nào?
Câu 5: Theo em, mỗi bạn có điểm gì đáng khen?
Câu 5 là câu hỏi duy nhất đòi hỏi học sinh phải động não trước khi trả lời. Thật ra, với bài này, giáo viên có thể đặt ra nhiều câu hỏi hay, ví dụ như:
- Tại sao bố lại trách mắng En – ri – cô? (Vì bố rất nghiêm khắc, muốn bạn lần sau không mắc lại lỗi như vậy nữa hoặc Vì bố muốn bạn cư xử tốt hơn đối với bạn bè.)
- Hãy đặt một tên khác cho câu chuyện? (Có thể là Tình bạn; Ai đáng khen?; Sự tha thứ; …)
* Bài “Sầu riêng” (Tiếng Việt 4 - Tập 2)
Hệ thống câu hỏi được đưa ra chủ yếu là tái hiện lại nội dung bài tập đọc và có ý nhằm giúp phát triển kiến thức về văn miêu tả cho học sinh. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở ba câu hỏi như đã đưa ra trong sách thì việc tìm hiểu bài chưa thật trọn vẹn. Giáo viên có thể mở rộng và tăng độ khó bằng việc đưa ra câu hỏi: “Tại sao ở đoạn cuối của bài, tác giả lại viết Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này?”. Câu hỏi này giúp học sinh cảm nhận và hiểu bài rõ hơn, cao hơn nữa là có được sự đồng cảm đối với tác giả của bài viết. Chỉ cần học sinh trả lời được ý Vì tác giả thấy xúc động trước sức sống và sự đóng góp của cây sầu riêng – giá trị ẩn đằng sau hình thức không mấy đẹp đẽ là coi như các em đã hiểu được điều tác giả muốn chia xẻ, gửi gắm. Giờ học vì thế mà trở nên sâu sắc hơn.
Ngoài ra, trong sách giáo khoa thường đưa ra các câu hỏi dạng tính từ gắn liền với danh từ. Ví dụ:
- Hai bàn tay đối với bé thân thiết như thế nào?
- Ngày bão vắng mẹ, ba bố con vất vả như thế nào?
- Cảnh hai bên bờ sông Bến Hải có gì đẹp?
- V.v…
Cách đặt câu hỏi như vậy mang tính khái quát cao tuy nhiên nếu xét theo logíc nhận thức của học sinh thì lại không thật hay nếu trong quá trình thực giảng, giáo viên dập khuôn lại y hệt. Những tính từ được sử dụng ở trên không có trong các bài đọc và là những điều mà giáo viên cần giúp học sinh rút ra sau khi tìm hiểu bài. Nếu đặt câu hỏi miệng như trên thì vô tình bản thân câu hỏi đã mang tính áp đặt nhất định và cũng hàm chứa phần nào câu trả lời của học sinh. Vì thế, trong quá trình xử lí, giáo viên cần biến đổi, tổ chức lại sao cho phù hợp với lôgíc nhận thức của học sinh: dựa trên việc tìm hiểu những ngữ liệu mang tính trực tiếp có thể rút ra những ý gián tiếp, ý hàm ngôn của bài tập đọc.
Nói tóm lại, việc sử dụng hệ thống câu hỏi trong quá trình dạy học Tập đọc ở tiểu học không hề đơn giản. Nó là cả một kĩ năng bao gồm: thiết kế, tổ chức và vận dụng. Trong quá trình truyền thụ tri thức cho học sinh, giáo viên cần quan tâm tới cả những yếu tố này. Sự linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng câu hỏi của giáo viên sẽ góp phần không nhỏ tạo nên hiệu quả, sự hấp dẫn cho giờ Tập đọc.
TS. NGÔ VŨ THU HẰNG
Tài liệu tham khảo
1. Bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học kĩ năng sử dụng câu hỏi trong dạy học Tiếng Việt – TS Dương Thị Hương – ĐHSP Hà Nội.
2. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2,3,4 - NXB GD