Giáo án được coi là kế hoạch dạy học (hay giáo dục), là bản thiết kế cho các hoạt động dạy học, giáo dục của người giáo viên.
Đã là "kế hoạch", "thiết kế" thì đương nhiên là cần rồi. Không thể chấp nhận một giáo viên lên lớp mà thiếu giáo án.
Vấn đề mà tôi bàn tới ở đây là nay các cấp quản lý giáo dục coi việc soạn giáo án của giáo viên như là việc BẮT BUỘC.
Xin nói ngay: tôi KHÔNG ĐỒNG TÌNH với việc này! Vì sao?
1. Bản chất của việc soạn giáo án là quá trình giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học, với "trình độ phát triển hiện tại" (nói theo L. Vygotsky) của học sinh lớp mình, với những điều kiện thực hiện... Như vậy, với mỗi bài học, mỗi lớp học sinh, giáo viên phải có một giáo án riêng mà có thể khác biệt với các lớp khác.
Tuy nhiên, thực tế thì giáo viên soạn giáo án bằng cách sao chép nội dung sẵn có từ một nguồn nào đó (như sách giáo viên, giáo án cũ...).
Chúng ta có thể trách giáo viên, nhưng hãy HIỂU cho họ: họ vất vả vô cùng với những tiết dạy, với những áp lực từ cán bộ quản lý, từ phụ huynh, từ học sinh, từ xã hội, với chồng hồ sơ, sổ sách "không biết để làm gì", với chồng bài kiểm tra của học sinh cần phải chấm, các kiểu họp hành, phong trào này nọ...; họ có quá ít thời gian thực tế cho việc nghiên cứu tài liệu; nhiều người trong số họ chưa có đủ năng lực cần thiết để tự thiết kế một giáo án tốt... (trong lúc đó đồng lương thì..., chao ôi!).
Vậy thì việc sao chép trên gần như là một việc làm VÔ BỔ. Thôi!
2. Mục đích của việc soạn giáo án đối với nhiều giáo viên là để ĐỐI PHÓ với việc kiểm tra, thanh "trẻ" của các cấp quản lý giáo dục mà không phải để thực hiện "bản thiết kế" của mình. Mà khi con người đã đối phó thì ắt chất lượng và hiệu quả sẽ thấp. Các cấp quản lý có biết điều này không? Chắc chắn là có! Vậy tại sao vẫn "hành" giáo viên?
Việc đối phó này lâu thành một "thói quen" xấu của con người. Khi người ta đối phó việc này thành thói quen rồi, thì nó rất dễ trở thành sự lừa lọc. Hãi!
3. Việc soạn giáo án mất quá nhiều THỜI GIAN của giáo viên (nhiều giáo viên nói với tôi, họ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc này). Đáng lẽ thời gian này để cho họ nghiên cứu tài liệu, giáo án đã có (sách giáo viên chẳng hạn) thì hữu ích hơn. Phí!
4. Việc soạn giáo án làm cho SỨC KHỎE của giáo viên bị giảm sút, bởi việc ăn uống không đảm bảo, họ có quá ít thời gian cho giấc ngủ, nghỉ ngơi, giải trí... Thậm chí nhiều giáo viên gầy gò cứ như là suy dinh dưỡng. Tội!
5. Việc soạn giáo án làm cho nhiều giáo viên "DỐT" đi, kém hiểu biết về xã hội, bởi họ không có nhiều thời gian để xem ti-vi, đọc báo, lướt web..., nhiều lúc trông cứ lớ nga, lớ ngớ... Những chuyện xã hội họ biết được chủ yếu nhờ "buôn" với những người xung quanh. Thương!
6. Việc soạn giáo án làm ảnh hưởng xấu đến những người trong GIA ĐÌNH - mang tiếng là "đảm đang", nhưng thời gian chăm sóc cha mẹ, chồng con có mấy đâu, có khi còn bị gắt "làm gì mà về muộn thế!". Vậy nên, cô nào chưa chồng thì chớ khoe "em nà giáo viên tỉu học nè anh". Dại!
Từ những phân tích trên, có thể nói việc soạn giáo án ảnh hưởng xấu, góp phần làm GIẢM kết quả giáo dục học sinh tiểu học? Phải!
Đấy, cứ BẮT ÉP giáo viên tiểu học soạn giáo án đi... Chán!
Vậy, GIẢI PHÁP là gì? Đây:
1) Cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên (hay các loại tài liệu khác tương tự) với chỉnh sửa cá nhân sao cho phù hợp với học sinh lớp mình, điều kiện thực hiện, điều kiện thực tế địa phương; không ép giáo viên soạn giáo án. Như thế mới là thực tế.
2) Coi giáo viên tiểu học là người lao động và hãy đánh giá người lao động qua sản phẩm hoạt động - đó là kết quả học tập, kết quả rèn luyện của học sinh tiểu học (có trường hợp "người ta" dự giờ đột xuất, giáo viên bị đánh giá là "không có chuyên môn", ko được xếp loại giờ dạy chỉ vì quên, ko có giáo án, mà đáng lẽ việc đánh giá này phải dựa vào việc học sinh của họ đã tiếp thu bài học như thế nào, kết quả ra sao - bất công!). Như thế mới là thực chất.
3) Dự giờ giáo viên tiểu học đột xuất, không báo trước để xem giáo viên đó dạy như thế nào, đánh giá giáo viên tiểu học một cách khách quan (không vị "tình"). Như thế mới là người thực, việc thực.
4) Chuẩn đánh giá phải là "sự tiến bộ" của học sinh trong lớp qua các giai đoạn (một học kì, năm học...), mà không phải tỉ lệ giỏi-khá-trung bình... (bởi điều đó không công bằng giữa các giáo viên do trình độ học sinh các lớp thường khác nhau), lại càng không phải các thứ hồ sơ, sổ sách (trong đó có giáo án). Như thế mới là đề cao lợi ích học sinh.
5) Tăng lương trước thời hạn cho giáo viên nếu, sau một thời gian nào đó (một năm học chẳng hạn), học sinh của lớp tiến bộ vượt bậc... Như thế mới là tôn sư, trọng đạo.
6) Bãi bỏ mấy "thứ" thi đua thiếu thực chất đi (tôi sẽ có một bài về "thi đua"). Như thế mới là dũng cảm.
Vậy thì, soạn hay không soạn giáo án là TÙY mỗi giáo viên, vấn đề là chất lượng, là kết quả, là cái có thật. Rõ!
Có người nói, nếu giáo viên tiểu học không cần soạn giáo án nữa thì các cấp quản lý giáo dục thanh tra "cái gì"... Ờ!
Thôi, tôi không nói nữa đâu, kẻo người ta "bắt" làm cán bộ quản lý giáo dục tiểu học bi giờ. Run!
Có lẽ, sau bài này, giáo viên tiểu học sẽ hi vọng về một điều gì đó tốt đẹp phía trước chăng?
PGS.TS. NGUYỄN HỮU HỢP