Ngoan từ lâu đã được coi là một phẩm chất đạo đức hàng đầu của con người Việt Nam. Các bậc cha mẹ muốn con mình, giáo viên muốn học sinh mình, xã hội muốn thế hệ trẻ như thế nên mới có "con ngoan", "học sinh ngoan", "cháu ngoan BH"...
Mình được biết, trong tiếng Nga không có từ "ngoan" (các tiếng nước ngoài khác mình không rõ) mà được dịch nghĩa tương đương với "biết vâng lời" (các bạn biết các ngôn ngữ khác cho ý kiến nhé).
Ngoan là gì? Theo mình hiểu, ngoan là biết thực hiện những điều mà "bề trên" của mình (cha mẹ, các bậc cha chú, thầy cô giáo, cấp trên...) dạy bảo, yêu cầu. Ví dụ: đứa con biết vâng lời cha mẹ (cả ông bà...), làm theo những điều cha mẹ yêu cầu được coi là đứa con ngoan. Như vậy, "ngoan" gắn liền với "vâng lời" người trên, thường được coi là "chuẩn" để đánh giá đứa trẻ, kẻ "bề dưới", người trong tầm kiểm soát của "bề trên". Nói rộng ra, có lẽ chế độ nào cũng muốn công dân của mình là những người "ngoan".
Theo mình nghĩ, về bản chất, "ngoan" chưa được coi là hành vi đạo đức. Bởi lẽ, hành vi đạo đức phải là hành vi thiện, mang lại lợi ích cho người khác, trong lúc đó những điều mà "bề trên" yêu cầu không phải lúc nào cũng đúng (cách đây vài hôm, mình đọc một bài báo nói về một ông bố quan hệ tình dục với con gái 14 tuổi đã 2 năm - có lẽ đứa trẻ này đã vâng lời người cha, được cha coi là "ngoan"), khi đó, "ngoan" có khi lại gây ra hành vi ác.
Hơn nữa, chuẩn "ngoan" của mỗi "bề trên" lại có thể không giống nhau, do đó, trong nhiều trường hợp, một đứa trẻ có thể được một số người cho là "ngoan", những người khác lại cho là "không (hay là "chưa") ngoan".
Vì vậy, mình cho rằng, không nên dạy cho trẻ ngoan, không yêu cầu trẻ vâng lời mà giáo dục cho trẻ biết LÀM THEO LẼ PHẢI (là chuẩn mực hành vi đạo đức khách quan).
Khi chúng ta (người lớn) giáo dục cho trẻ LÀM THEO LẼ PHẢI, trẻ sẽ hiểu được bản chất cuả sự việc, hành vi cần thực hiện và khi đó, hành vi của trẻ sẽ trở nên tự giác. Ví dụ, khi người mẹ yêu cầu người con quét dọn nhà cửa thì bản chất sự việc là: giúp đỡ cha mẹ, trong gia đình ai cũng phải lao động... - đó là LẼ PHẢI, CHÂN LÍ.
Giáo dục cho trẻ LÀM THEO LẼ PHẢI còn giúp trẻ biết PHẢN KHÁNG với những yêu cầu trái với đạo lí, từ chối thực hiện những hành vi sai trái mà một vài "bề trên" đưa ra.
Trên một số diễn đàn, tôi đã từng vài lần đề nghị bỏ các chuẩn mực hành vi đạo đức liên quan "vâng lời" ("Vâng lời thầy cô giáo", "Vâng lời ông bà, cha mẹ") trong chương trình môn Đạo đức ở tiểu học (rất tiếc, ít người chịu "nghe", hihi) là vì lẽ trên.
Có một thực tế là, có nhiều người thành đạt mà trước đây họ là người "ngang", "ít ngoan", ít chịu theo khuôn mẫu cứng nhắc của người "bề trên" đi trước (nghe nói một số "đại gia" công nghệ Mĩ, điển hình là B.Gates, đã bỏ học đại học giữa chừng - không biết có đúng không- tức là đã không vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, tôi đoán mò, hihi).
Theo quan sát của tôi, người nào "ngoan" thì khó thành đạt. Có lẽ những đứa trẻ "ngoan" thường đi theo, làm theo lối mòn của "bề trên", mà lối mòn thì không có sự đột phá, sáng tạo (chưa kể có cả những lối mòn dẫn đến ngõ cụt, hihi)!
Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng buồn, đừng lo khi con mình còn có những điểm "chưa ngoan", có khi làm trái lời mình. Hãy bình tâm xem xét lại chính mình: ta yêu cầu con làm những điều đó liệu có tốt không, khách quan không, giúp con phát triển không... Cũng vậy, các thầy cô giáo đừng quá phiền lòng khi học trò của mình còn có một số biểu hiện chưa ngoan.
Cũng đừng vui vội khi trẻ đã ngoan...
Một xã hội chỉ có những người ngoan là xã hội trì trệ. Một xã hội chỉ có những người "ngang" là xã hội loạn lạc. Một xã hội muốn phát triển cần phải có những người "ngoan VỪA VỪA".
Người "ngoan" TUYỆT ĐỐI chỉ là kẻ nô lệ. Chỉ có con cừu mới "ngoan" tuyệt đối (mượn ý của GS Ngô).
Vậy, "ngoan" CHƯA HẲN LÀ TỐT các bạn ạ. Cái "ngoan" TỐT là ngoan phù hợp với LẼ PHẢI.
Tuy nhiên, mọi người đừng hiểu nhầm tôi nhé. Tôi KHÔNG có mấy ý sau đây: 1) ngoan là xấu, là hư hỏng; 2) cổ vũ trẻ làm trái ý cha mẹ, thầy cô giáo...
Còn các bạn thì sao, có "ngoan" không?
PGS.TS. NGUYỄN HỮU HỢP