Trước khi đút nó hẳn vào quá khứ và thôi không nhắc đến nữa, mình muốn ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc còn đọng lại về quá trình thực hiện và bảo vệ luận án tiến sĩ của mình tại Hà Lan. Như một sự chia sẻ với những ai quan tâm và với những ai muốn làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài.
Tính mình vốn rất lan man, cái gì cũng muốn biết một tí, và hơi biết một tí mà thấy hấp dẫn là dễ lao đầu vào luôn. Mình hiểu mình và khá sợ cái tính lan man ấy. Mình thích nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Thế nên, vác xác sang Hà Lan, ban đầu mình quán triệt tư tưởng (cao độ ở trong óc): học, đọc, chỉ có học, và chỉ có đọc. Sang đến nơi, thực tế biến thành: đi, nhìn, nghe, và lao vào bụi mận gai. Chưa đầy một năm sau, khẩu hiệu trở thành: học, du lịch, chỉ có học và đi du lịch. Đã có một thời gian, du nhiều hơn học. Đến năm cuối, quyết tâm cao độ tập trung làm tốt bốn chữ theo thứ tự: viết, ngủ, du lịch và ăn. Chí ít mình đã từ bỏ được một số thứ: truyền hình, tiểu thuyết, họp hành... vốn rất tốn thời gian. Mình tuyệt đối không dám nghĩ đến việc đi làm thêm kiếm tiền. Có một cái lạ là trong bốn năm đó, tự dưng văn thơ lai láng trở lại sau một thời gian dài bị ngưng trệ.
Bốn năm, nỗi lo lắng bài vở thường xuyên xâm lấn tim óc mình. Không hiểu sao. Hồi hộp lo lắng là một khí chất hơn người ở mình. Mình thi thố từ năm lớp 4 đến tận năm thứ tư đại học, với đủ kiểu thi, môn thi. Thế nhưng lần nào đi thi thì lần ấy đều bồn chồn, hồi hộp. Sự lo lắng ấy có vẻ trái ngược hẳn với những đánh giá, nhận xét có phần lạc quan, tích cực của thầy cô hướng dẫn. Dẫu vậy, những phản hồi tích cực về luận án không thể nào lấp hết những lo lắng trong lòng. Sự hoài nghi trong mình có lẽ cao hơn mức cần thiết, khi mình vẫn tự bảo thầm: thầy cô động viên vậy thôi, còn phải nỗ lực nhiều. Song phải thừa nhận rằng thầy cô đã tiêm vào mình một liều thuốc bổ ngấm một cách từ từ. Đến lúc vào giờ phút quyết định, mình hầu như không còn một chút hồi hộp, lo lắng nào nữa. Thay vào đó, mình thấy có một sự tự tin đến ngạc nhiên. Mình nhớ có một lần mình nói với hướng dẫn thứ nhất (năm đầu) là: hôm bảo vệ, khi trao bằng chắc phải khóc mất. Mình đã mấy lần khóc ở Hà Lan. Tập trung vào năm 1-2 (xanh non vô cùng, nhìn xe đạp nằm tưởng ô tô nó phi). Thường là khóc khi tạm biệt, tạm biệt Hà Lan hoặc tạm biệt ai đó gần gũi, thân thuộc, tử tế. Khi khóc thì ngại không để đâu cho hết. Bụng bảo dạ: khóc vì cảm động cũng ko sao. Nhưng vì quá ngại mà hạ quyết tâm: không để nước mắt rơi công khai một lần nào nữa. Lần nào khóc cũng hạ quyết tâm trong lòng như vậy, nhưng sau rồi nước mắt vẫn chan nước mũi. Thế nên hôm tạm biệt hướng dẫn 1, mồm miệng méo mó mà bảo: Mình nhận bằng mà ko khóc thì có mà chuyện lạ. Bao nhiêu người cứng rắn mình thấy cũng xúc động mạnh khi họ được trao bằng. Họ khóc thật chứ không đùa.
Rốt cuộc, cái mình làm song song với cái luận án là sự nỗ lực kiểm soát cảm xúc cá nhân. Sự tự tin, đôi khi tự tin quá đỗi của một số người Hà Lan, vừa làm mình khâm phục, vừa làm mình hoang mang. Và cả hoài nghi (cái này lúc nào mình cũng sẵn). Thế nhưng mình không thể thể hiện như họ, hoặc chí ít là chưa vội theo cách họ thể hiện. Lởn vởn đâu đó trong đầu mình: Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời. Mình nghĩ, mình sẽ làm theo cách của mình. Cái tôi ai cũng có và mình cũng muốn thể hiện cái tôi của mình, chứ không phải là bắt chước người khác. Thể hiện trên luận án cái tôi đó, mình nghĩ, nên là một luận án trình bày - viết dễ hiểu, mạch lạc, có cơ sở khoa học vững chắc, và sự đóng góp cho lĩnh vực cần được thể hiện rõ ràng. (Mình nghĩ ai kém tiếng Anh nhất thì khi đọc luận án của mình cũng hiểu được cả. Luận án viết đơn giản và dễ hiểu, như chính cái tôi của mình). Và, mình nghĩ, cũng nên là một luận án dễ nhìn, đẹp được thì càng tốt (chết cái tội mình - ở một số thứ - khá duy mĩ, khác với sự tồn tại của chính bản thân trong thế giới này).
Tiêu chí đơn giản và mình cứ dựa vào đó mà cố làm theo. Dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhìn, có giá trị. Khi luận án được in ra, mình nhận được nhiều phản hồi tích cực. Có một cảm giác hạnh phúc âm thầm không hề nhẹ.
Ở đại học Utrecht, phòng cho lễ bảo vệ cần được đăng ký trước 6 tháng. Quá sớm. Nên việc đăng kí phòng rồi sau đó hủy vẫn xảy ra. Là vì luận án không kịp tiến độ. Nhưng có một cái còn xảy ra sớm hơn mình nghĩ, ấy là về paranimf, người hỗ trợ đứng sau mình trong lễ bảo vệ. Chọn paranimf thường được thực hiện khi lễ bảo vệ sắp đến gần. Đã có lúc mình tự hỏi mình sẽ chọn ai và ai sẽ sẵn sàng làm paranimf trong lễ bảo vệ của mình. Nhưng rồi bận quá, mình cũng bỏ đấy. Khi mùa xuân của năm cuối vẫn còn lơ lửng trong không khí, một hôm trong một cuộc nói chuyện thân tình, ông em họ của ông chủ nhà mình tự dưng lóe sáng một ý tưởng, bảo tại sao không chọn ông ý và ông chủ nhà làm paranimf. Mình yêu quý mọi sự tình nguyện. Mình kết luôn ý tưởng ấy: hai ông tiến sĩ lâu năm, hói nửa đầu, tóc bạc phơ phơ, cao to, cổ thụ, đứng sau mình, lườm mấy vị hội đồng hộ mình. Còn gì tuyệt hơn vậy? Đứng trong bóng râm của cây cổ thụ (mình rất thích các cây cổ thụ) đôi khi mang lại một cảm giác được che chở và có thêm sức mạnh để "chiến đấu". Mình đã tưởng tượng ra một viễn cảnh như thế.
Khoảng bốn tháng trước khi lễ bảo vệ diễn ra, ông chủ nhà báo tin buồn: ông em họ phải vào viện phẫu thuật chân, giờ không đi lại được (kể từ đó là một loạt những người thân, quen biết của mình lần lượt phải vào viện thì phải). Hai tháng trước lễ bảo vệ, bên trường yêu cầu gửi danh sách paranimf. Ông chủ bảo cô con gái ông rất vui nếu được giúp mình. Bố đẹp lão, con đẹp gái. Ba người mình - một gia đình đa dân tộc. Mình vui sướng khi vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Rồi một tuần trước lễ bảo vệ, ông chủ nhà bị viêm phế quản nặng, thậm chí liên quan đến phổi. Ho như nổ họng cả đêm cả ngày. Ông căng thẳng hơn cả mình cái giai đoạn ấy. Ông càng lo, bệnh tiến triển càng chậm. Càng chậm, ông càng lo nhiều. Danh sách paranimf gửi đi rồi, in rồi, không thể thay thế được nữa. Mình bắt đầu mường tượng ra cảnh hội đồng vừa đưa câu hỏi thì có một cơn ho dữ dội vang lên. Khi ấy, đáng lẽ 5-6 người hỏi thì sẽ chỉ còn lại 2. Mình bảo vậy với ông chủ nhà, bảo là khổ bố nhưng sướng con, đỡ vất. Ông cười méo mó. Vậy mà đến hôm bảo vệ, không biết ông tống cái gì vào người mà tuyệt nhiên không một tiếng ho hay e hèm nào phát ra từ cổ họng ông trong suốt quá trình bảo vệ.
Tuần cuối trước bảo vệ, như một thủ tục, người bảo vệ sẽ đi gặp chủ tịch hội đồng. Mục đích để chủ tịch biết mình là ai và luận án làm về cái gì, để mà dẫn dắt giới thiệu trong buổi bảo vệ. Mình biết mặt chủ tịch hội đồng của mình khi được giáo sư giới thiệu trong một bữa tiệc sau bảo vệ của một chị bạn cùng viện. Bắt tay một phát và hẹn gặp lại khi đến lượt mình. Hội thoại quá ngắn để hiểu biết về ông và để ông hiểu biết về mình. Dẫu vậy, cái bắt tay và nụ cười của ông đủ làm mình có cảm giác ban đầu là ông rất thân thiện và dễ chịu. Mãi sau này mới biết ông là sếp của sếp viện mình.
Lịch gặp mặt ông chủ tịch hội đồng thay đổi đến ba lần, từ phía họ. Dù ông chủ tịch hội đồng không tham gia chấm luận án nhưng mình không muốn để lại ấn tượng xấu cho lần gặp mặt, ra mắt này. Mình tự đặt những câu hỏi mà ko để ý về câu trả lời: Ông là người như thế nào? Ông sẽ nói cái gì? Mình sẽ nói cái gì?... Mình đến phòng ông sớm 15 phút và gặp mặt ông sớm 10 phút so với lịch. Khi bà thư kí bảo mình vào phòng đi, đang được đợi đấy thì mình bước vào luôn. Căn phòng đầy ánh sáng tự nhiên, thấy ông áo trắng đóng thùng trong chiếc quần kaki đen đang vơ vội giấy tờ sách vở trên mặt bàn. Nhìn thấy mình, ông nói: Em là Hằng phải ko? Tôi đang dọn cái đống bừa bộn này cho gọn để có chỗ cho chúng ta ngồi nói chuyện. Tự dưng mình thấy khá thoải mái, gần gũi. Và khi ấy mình hiểu, ông thân thiện, gần gũi, tự nhiên như thế thì không việc gì mình phải khách sáo, căng thẳng cả. Ông mỉm cười nhiều lần trong suốt cuộc nói chuyện, luôn cho thấy một thái độ tò mò, lắng nghe đối với những câu trả lời. Và một trong những câu hỏi của ông mình nhớ nhất, nhớ nhất ko phải vì câu hỏi mà là vì cách hỏi: ông chậm lại một nhịp trong cuộc nói chuyện, nhìn thẳng và xoáy sâu vào trong mắt mình (sự đảo nhịp và tiết tấu của cuộc nói chuyện khi ấy làm mình có đủ thời gian nhận ra ông không chỉ có nụ cười, giọng nói mà còn có 1 đôi mắt xanh nhạt hết sức sáng và nhanh nhẹn ẩn đằng sau cặp kính cận trong suốt): Tại sao em lại chọn làm đề tài này, lí do sâu xa là gì? Xin lỗi, tôi có thể hỏi câu hỏi đó được không? Câu hỏi đó của ông làm mình nhớ đến câu hỏi của vị chủ tọa cho phần trình bày của mình trong hội thảo khoa học ở Cyprus. Những câu hỏi tại sao! Đó là câu hỏi thường được sử dụng nhất trong tranh luận, tại sao nối tiếp tại sao. Các nhà khoa học luôn muốn đi đến tận cùng của vấn đề, nắm được cơ sở, lí lẽ của vấn đề. Ông chủ tọa ở Cyprus hỏi mình: Tại sao lại cần phải thay đổi chương trình? Không thay đổi chương trình thì sao? Chương trình cũ cũng phải có lí lẽ của nó chứ, cần gì phải thay đổi? Tôi thấy chả cần phải thay đổi. Mình đã nói: Tôi cũng nghĩ thế, chúng ta chả cần phải thay đổi chương trình làm gì nếu chúng ta vẫn muốn đào tạo ra những cố máy ghi nhớ, học bằng cách nhớ càng nhiều càng tốt. Chương trình hiện hành thực hiện rất tốt chức năng này. Nhưng nếu muốn học sinh có kĩ năng và thái độ học tích cực, thì chúng ta cần thay đổi chương trình cho những mục tiêu đó. Cái nhìn xoáy sâu và câu hỏi được đặt một cách chậm rãi của ông chủ tọa hiện tại đủ cho mình hiểu rằng ông muốn biết một cái lí do sâu xa hơn nữa, rằng thực sự cái gì đã thôi thúc mình theo đuổi đề tài này. Mình, có lẽ cũng dừng lại một nhịp, nhìn thẳng lại ông, và nói: Thầy đã hỏi thẳng thì em cũng xin nói thẳng, thật sự, em thấy thất vọng với chương trình giáo dục hiện tại ở bên em. Cá nhân em muốn một chương trình khác phù hợp hơn. Và mình nghĩ, hai thầy trò đã có một cuộc nói chuyện hết sức cởi mở, thẳng thắn, chân thành. Sau cuộc nói chuyện kéo dài gần một tiếng đồng hồ đó, mình ra về, mang theo sự quý trọng dành cho vị chủ tọa.
Hai ngày cuối tuần trước hôm diễn ra buổi bảo vệ, mình không đọc một chữ hàn lâm nào. Refresh đầu óc bằng cách đi siêu thị, mua đồ ăn, chuẩn bị cho bữa tiệc tối hôm bảo vệ. Hai ngày có lẽ đi chợ đến sáu lần. Đầu óc tập trung toàn bộ vào thực phẩm. Làm rất chậm, kĩ, tỉ mẩn. Mình cũng đã đặt hàng bạn bè làm thêm các món khác. Còn đủ thời gian để gội đầu và tắm rửa. Không đủ thời gian để là lại chiếc áo dài đã cũ. Nhưng mình thấy việc đó không quan trọng và cũng chả cần thiết. Liên quan đến yếu tố khoa học thì mình lại không muốn đầu tư vào yếu tố hình thức. Khoa học thiên về bản chất hơn là hình thức. Khoa học là đơn giản hóa cái phức tạp, chứ không phải là phức tạp hóa những cái đơn giản, như mình và mọi người vẫn hay làm trong cuộc sống hàng ngày.
Những dự đoán của mình về hội đồng đa phần là không chính xác. Tất nhiên trước đó, cả 6 vị mình đều nghĩ là sẽ 6 super siêu soi và tính phê bình trong phản biện của họ hẳn là cao, và có lẽ ko dễ nghe. Mình đã âm thầm phân cấp độ "khó" của 6 người đó, hoàn toàn dựa trên trình độ "nhân tướng học" đầy bản năng và sự quan sát cách họ giao tiếp. Thực ra mình làm như vậy cũng nhằm để có một sự chuẩn bị tâm lý phù hợp. Trong lễ bảo vệ, những người mình nghĩ là "khó" nhất thì lại có những đánh giá tích cực, nghe xong mà thấy như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (dù mặt cố phải tỏ ra thản nhiên). Đến nỗi, với một phản biện mình đã sẵn sàng tâm thế để nghe soi và chê (vì thấy bà lúc nào cũng nói chuyện nghiêm túc, làm việc một cách nghiêm túc, đến ánh nhìn cũng rất nghiêm túc) thì bà còn chả thèm vặn vẹo mình tí nào mà cho hai câu hỏi chẳng liên quan gì đến luận án, như từ bà dùng là "lời khuyên": 1) Từ kinh nghiệm của em, em có thể chia sẻ với chúng tôi rằng chúng tôi cần cần lưu ý gì khi xây dựng chương trình môn khoa học của mình? và 2) Những người phương Tây, khi giao tiếp với những người đến từ nền văn hóa kế thừa Nho giáo, nên như thế nào?
Trước ngày bảo vệ diễn ra, nghĩ đến lễ bảo vệ là mình thấy bồn chồn, lo lắng. Mọi người xung quanh thấu hiểu nên nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ cho tốt. Nào là nên nói như thế nào, tốc độ ra sao, thuyết phục họ như thế nào, cần chuẩn bị những cái gì... Đến người hài hước nhất khi giao tiếp với mình khi ấy cũng trở nên nghiêm túc hơn trong khi nói chuyện. Thực sự, những chia sẻ ấy làm mình rất cảm động. Tất cả những chia sẻ ấy hết sức quý giá và bổ ích đối với mình. Đôi chỗ, những lời khuyên trái ngược với nhau. Và mình nhận ra, cái cần làm đó là lựa chọn cách thức thực hiện sao cho phù hợp.
Lời khuyên đầu tiên mình ghi nhận: mọi câu hỏi của hội đồng đều đáng được cám ơn, bởi nó hoàn toàn mang tính xây dựng. Thế nên, đừng bày tỏ thái độ tiêu cực gì trong khi trả lời. Lời khuyên thứ hai: đọc kĩ chương kết vì đó là chương sẽ được đọc và soi kĩ nhất. Lời khuyên thứ ba: bạn là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn, công việc của bạn là làm cho hội đồng thấy và hiểu rõ cái mình làm... Và ý chốt mình rút ra là: làm thế nào thì làm, phải thể hiện được sự tôn trọng đối với người hỏi và thuyết phục được họ. Đó là vấn đề trở đi trở lại trong óc mình: tranh luận 1 cách lịch sự, tôn trọng lẫn nhau - Argumentative but respectful.
Mình bảo với ông chủ nhà: mình bất lịch sự quen rồi, giờ phải cư xử lịch sự ở chỗ đông người với tính nghi lễ cao như thế khó cho mình quá. Ông cứ cười sằng sặc.
Tôn trọng và thuyết phục - cả hai cái đều quan trọng. Nhưng có lẽ với tính cách của mình, mình hay bị nghiêng về cái đầu hơn. Mình nghĩ, nói thế nào thì nói, phải cho thấy là mình tôn trọng họ. Và việc họ tôn trọng mình hay không, khi bảo vệ, giao tiếp sẽ biết. (Thực tế có người nói, có người phản biện cũng không được lịch sự cho lắm, nên nhiều nghiên cứu sinh cũng phát cáu với họ trong quá trình trả lời).
Thực tế đúng như trong lời khuyên của mọi người, cái mình làm thì chỉ mình hiểu rõ nhất, đến hướng dẫn cũng ko thể hiểu rõ như mình được. Vậy nên, hội đồng không hiểu chỗ này chỗ kia thì, bỏ sót ý này ý kia cũng là chuyện bình thường, mới có việc cho họ làm: soi và chất vấn. Mình dự lễ bảo vệ một người bạn, thấy cách cô ấy làm khi thấy hội đồng chưa rõ ý là giở luận án ra, nói rõ số trang, dòng và bảo ý đó đã trình bày ở đó rồi. Cách đó vẫn thường được sử dụng trong nhiều lễ bảo vệ, vẫn được nhiều người tán đồng. Ban đầu, mình cũng có ý định áp dụng cách đó nếu gặp trường hợp tương tự, quá đơn giản và dễ dàng, khỏi phải nói nhiều, dễ ngọng. Thế nhưng, một anh đồng nghiệp của mình bảo: đừng làm như thế, hãy nói cho người ta hiểu chứ đừng lôi sách ra như thế, lúc đó có tâm trí thì giờ đâu để mà đọc dòng này chữ kia. Mà "bảo vệ" thì hãy là nói và thuyết phục họ. Việc chỉ rõ là họ đọc không kĩ luận án cũng không phải là 1 cách làm hay. Hóa ra, cùng một cách làm nhưng vẫn có những sự đánh giá khác nhau. Và rõ ràng, người đồng nghiệp kia là một người rất tinh tế, nhạy cảm. Và nếu như mình muốn thế hiện sự tôn trọng, thì cách làm mất mặt không bao giờ là một cách nên làm. Mình từ bỏ chọn cách trả lời-dựa-vào-sách, thay vào đó, mình chọn cách trả lời-tập-trung-vào-câu-hỏi, dẫu có thể sẽ phải lặp lại điều đã nói, cái đã viết. Coi như không quan tâm đến mức độ đọc kĩ hay lướt của người chất vấn. Just face to face.
Một kinh nghiệm nữa khi trả lời phản biện mình thấy cũng rất hay, đó là thể hiện cái tôi cá nhân. Hãy cho mọi người thấy bạn nghĩ thế nào, bạn tin điều gì, bạn làm như thế nào... chứ ko phải chỉ tập trung vào suy nghĩ, niềm tin của một ai đó khác. Khi ấy, hãy nói I nhiều hơn, thay cho We, hay They, He, She... Trong tranh luận khoa học, tuyệt đối tránh a dua. Ý kiến trái chiều nhiều khi được ghi nhận cao, nhất là ở một đất nước tính dân chủ, bình đẳng được nhấn mạnh. Thực tế, đưa ra được ý kiến trái chiều mà có tính thuyết phục là một điều không hề đơn giản.
Mình vẫn nghĩ bảo vệ luận án tiến sĩ là cuộc thi lớn nhất đời mình. Nhưng bất ngờ ở chỗ đó là cuộc thi duy nhất mình ko thấy hồi hộp, căng thẳng hay ca-ma-run. Chính xác thì mình hơi căng thẳng với câu hỏi đầu tiên, còn sau đó là mình thấy vui và thoải mái. Thoải mái vì được chia sẻ quan điểm cá nhân, nói rõ thêm về luận án với hội đồng. Vui vì được hội đồng ghi nhận. Khi nhận bằng từ hội đồng, mình nghe rất rõ cảm xúc trong lòng, mọi thứ như một cuốn phim quay chậm, trở lại những tháng ngày quá khứ bốn năm vừa trải qua. Xúc động nhưng rất bình tĩnh, tuyệt nhiên không khóc. Với mình, đó là điều tuyệt vời. Chí ít, một nỗ lực âm thầm đã thành công.
Mình không nhớ mình đã nói những gì với mọi người và mọi người đã nói với mình cái gì vào lúc chia vui sau lễ bảo vệ. Vui quá, quên hết trời đất. Thế nhưng có một câu nói của một vị khán giả tiến sĩ (đã từng du lịch xuyên Việt) làm mình nhớ mãi: Lúc em trả lời, em lái xe máy kinh quá. Chắc tại bị ảnh hưởng thói quen lái xe máy ở Hà Nội (Giao thông Việt Nam luôn là một thứ gây ấn tượng với du khách Tây phương. Và khi trả lời phản biện, cả cơ thể mình đều động đậy nhiệt tình chứ không chỉ có mỗi cái miệng).
Hôm bảo vệ là một trong những ngày bận rộn nhất trong cuộc đời mình. Gần 3h chiều mới xong mọi nghi lễ. Sau đó mình đã phải sấp ngửa lo cho bữa tiệc tối lúc 6h, cách đó khá xa. Có lẽ hôm đó mình là người có mùi nước hoa "mắm muối mì chính" nồng nặc nhất phòng, với bộ trang phục không có vẻ gì là của "tiệc tùng" cả, theo như quan niệm của người Hà Lan. (Mua bao nhiêu váy áo để rồi khi cần thì lại không dùng). Nhưng quan trọng là, mình đã có một bữa tối rất đậm đà bản sắc dân tộc, rất vui và ấm cúng. Tất nhiên là trong sự cảm nhận của mình.
(Con người ta không thể sống mãi với quá khứ và danh hiệu. Mình nghĩ 4 năm qua giờ có lẽ để gió cuốn đi là vừa. Giữ lại có chăng là những tấm thiệp mà mỗi khi đọc lại mình đều thấy bồi hồi, xúc động. Cảm xúc – đó mới là cái mình muốn giữ lại, cho riêng mình.)
NGÔ VŨ THU HẰNG