Không rõ từ "nguồn" nào mà hầu như các thầy cô giáo đều hay nhắc học sinh "học giỏi cho cha mẹ vui lòng". Mình nghĩ, điều đó không ổn lắm!
Lẽ dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng quan tâm, mong muốn con mình học tốt, nên người. Cha mẹ nào cũng căn dặn con phải cố gắng học tập, vui lòng khi con mình học giỏi.
Tuy nhiên, học có phải vì-ai-đó hay không? Tôi giả dụ: học sinh nào đó không may mồ côi, vậy thì có đâu cha mẹ mà học-vì-cha-mẹ? Hay, có những lúc giận dỗi với cha mẹ thì trẻ cũng không muốn học nữa chăng?
Học sinh học tập vì-cái-gì-đó như là động cơ học tập. Chúng ta biết rằng, học tập nhằm hình thành nhân cách cho học sinh, giúp các em có những năng lực và phẩm chất cần thiết cho cuộc sống hôm nay và hành trang cho ngày mai. Tức, học tập là vì sự trưởng thành, phát triển cho chính đứa trẻ!
Vậy thì, các thầy cô hãy động viên các em học tốt vì-chính-mình đã, nhờ đó tạo ra một động lực bên trong đứa trẻ (theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nội lực của mỗi học sinh vô cùng lớn, nhưng giáo dục chưa phát hiện và khai thác tốt).
Hãy nhớ rằng, động lực bên trong bền vững và quan trọng hơn động lực bên ngoài.
Hãy biết rằng, mọi học sinh đều thông minh, và trí thông minh của trẻ rất đa dạng, không phải chỉ giỏi Toán, Tiếng Việt mới là "giỏi" (theo thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner, trí thông minh của mỗi em học sinh có thể là logic, ngôn ngữ, âm nhạc, mĩ thuật, vận động...).
Hãy giúp học sinh nhận ra được mặt mạnh của mình (ví như giỏi vẽ...), khơi dậy ở trẻ lòng ham muốn phát huy mặt mạnh của mình và giúp trẻ phát triển nó.
Hãy tạo ra sự tự tin cho mỗi học sinh, luôn nói với trẻ rằng, "cô tin em sẽ làm được bài này", "cô tin em sẽ tiến bộ"...
Chính giáo viên cũng hãy tin học sinh của mình.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp