Trong buổi đối thoại trực tiếp với giáo viên tiểu học chiều 1/10, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định nhấn mạnh, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài chứ chưa giúp người học ý thức được việc đến trường là để phát triển bản thân.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định chỉ ra, trước đây có những giáo viên cho điểm học sinh xong là xong, chưa quan tâm đến sự phát triển, tiến bộ của các em. Nay theo Thông tư 30 về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, điều quan trọng nhất thầy cô cần làm là xem xét quá trình nhận thức, vận dụng kiến thức của học sinh để từ đó chỉ ra điểm được, chưa được và tư vấn, hướng dẫn các em vươn lên. Cách làm này giúp người học không bị áp lực và có thể tiến bộ hơn.
Việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, theo ông Định, sẽ có lợi và phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học. Nếu thầy cô cho rằng, chấm điểm 9-10 để khích lệ học sinh thì việc tặng bông hoa, cái kẹo hay bố mẹ đưa đi chơi cũng là khen thưởng. Tuy nhiên, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh. Người học theo đó chưa ý thức được việc đến trường là để phát triển bản thân chứ không khải vì phần thưởng.
"Chỉ cho học sinh hiểu động cơ bên trong của việc học để từ đó các em cảm nhận, yêu thích, say sưa tìm hiểu và phát triển năng lực phẩm chất cá nhân là nội dung quan trọng của Thông tư 30 về thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học", ông Định nói.
 |
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định cho rằng, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh. Ảnh:Văn Việt.
|
Trong buổi đối thoại, nhiều giáo viên băn khoăn việc một số thầy, cô phải đứng 20 lớp thì không thể kham nổi việc viết nhận xét cho gần 1.000 học sinh. Chia sẻ những vất vả có thể đến với người dạy, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nói, những đổi mới nếu tốt cho học sinh thì cần được khuyến khích. Dù "dạy 500 hay 1.000, 3.000 học sinh, thầy cô vẫn cần quan tâm, đánh giá từng em. Nếu giáo viên không biết, không hiểu học trò thì tình cảm thầy trò sẽ có tồn tại và thầy cô quan tâm giúp đỡ học sinh thế nào?", ông Định nói.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học nhấn mạnh, thay đổi cách đánh giá thường xuyên đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Thay đổi nhận thức là bước khó nhưng vẫn phải làm. Quá trình thực hiện cần thời gian, vừa làm vừa khắc phục, rút kinh nghiệm cho tốt hơn.
Để việc nhận xét của các giáo viên không bị trùng lặp, ông Định cho rằng cần gắn lời nhận xét vào từng bài làm cụ thể của học sinh để đối chiếu với chuẩn kiến thức, kỹ năng, giữa bài làm với mục tiêu đặt ra. Ví dụ tập viết chữ “A”, học sinh lần đầu có thể viết được nhưng vẫn nghiêng, cô giáo nhận xét: “Em đã viết được chữ A nhưng nét thẳng còn nghiêng”. Khi em đã viết đẹp hơn lời nhận xét của cô cũng khác.
Trước đó ngày 28/8, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Theo văn bản này, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Trong đó, giáo viên dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo VnExpress